Xoá chính là vẽ!

Thành Vinh khi tôi bắt đầu mở máy viết dòng chữ này là 21 độ. Không quá lạnh nhưng sự chuyển giao giữa thu sang đông cũng đủ để tôi thấy co ro. Không sao cả. Đừng ngại ngùng nếu có ai đó chê mình ốm yếu, chỉ bởi chiếc khăn quàng hay cái áo khoác dày cộm trên thân. Lạnh thì mặc áo cho ấm người, hẳn là một quy luật rất tự nhiên vậy.

Viết hết đoạn văn kể lể trên thì đồng hồ báo 0h 47 phút. Giây phút này, hầu hết những người quanh tôi đã khò khò cả. Không sao cả. Đừng sợ phải thức đêm khi cơ thể chưa cần phải ngủ. Tại sao phải o bế bản thân cho giống với người khác, khi mà chính ta chưa có nhu cầu hay đòi hỏi. Chưa ngủ thì không nên ép phải ngủ, bởi càng ép thì càng không ngủ được. Điều này cũng rõ ràng quá mà.


Bạn thấy đấy, cuộc sống tôi giản đơn như thế. Chẳng có gì là vĩ đại, cao cả, bí mật, hay ghê gớm cả. Nó cứ tự nhiên như là chính nó thế thôi. Tôi chưa bao giờ coi đám đông là kẻ thù của tôi, để rồi tự biến mình thành kẻ lập dị. Tôi cũng chưa từng quá lệ thuộc vào đám đông, đến mức quên mình là ai và mình cần gì. Nếu dùng một từ để mô tả, có lẽ tôi xin dùng hai từ thôi: bình thường.

Tôi không thích dùng từ "chiến trường" để gọi cuộc sống. Có thể có ai đó đã từng nói "hạnh phúc là đấu tranh" để khuyến khích người ta luôn tiến về phía trước. Nhưng tiếc rằng trong mắt tôi không có kẻ thù, nên "đấu tranh" là một ý tưởng xa lạ, ngay cả đấu tranh với chính bản thân mình.

Tôi không thích dùng từ "thiên đường" để gọi cuộc sống. Có thể có người coi "thiên đường" là ở kiếp sau, hoặc "thiên đường trần thế" cũng chỉ để gieo những hạt mầm hy vọng cho tương lai. Tiếc rằng, thỉnh thoảng tôi cũng có đôi chút thất vọng, nhưng vì thất vọng đó không đủ đánh gục được tôi, nên tôi thấy ý tưởng "thiên đường" tương đối hơi nực cười. Làm quái gì có "địa ngục" để phải tạo ra "thiên đường"??!! Đó không là câu hỏi, đó là một mệnh đề khẳng định mà tôi đã xây dựng.

Tôi thích dùng từ "bức tranh" để đặt tên cho cuộc sống và "vẽ" là cách tôi sống. Vẽ cái gì và bức tranh đó theo loại hình nào không phải là câu hỏi một sớm một chiều có thể giải quyết ngay. Và vui nhất ở chỗ, là khi câu hỏi đã được giải đáp, hay bức tranh khi đã hoàn thành thì việc vẽ chấm dứt. Nói nôm na là khi chết sẽ có câu trả lời cuối cùng.
...

Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao người ta phải lập ra quá nhiều giả thuyết như vậy, để rồi uổng phí không chỉ một đời mà còn nhiều đời sau vẫn cứ vật vã tìm cách chứng minh, cho một điều, biết đâu được nói vào lúc mộng du hay say rượu?

Giả dụ như có Thượng Đế hay không có Thượng Đế? Tôi coi giả thuyết này cũng thú vị đấy, nhưng bỏ cả đời chỉ để chứng minh Thượng Đế có thật hay không có thật lại là một sự lãng phí thời gian kinh khủng. Bởi dẫu giả thuyết có được chứng minh thì tôi tin chắc một điều - Thượng Đế không thể ăn thay cho bạn - nghĩa là bạn đói thì bạn vẫn phải ăn thôi (khác biệt một chút là nếu bạn tin Chúa có thật thì cầu nguyện dăm ba câu...).

Hoăc giả dụ như có đời sống sau khi chết hay không? Tôi coi chuyện này cũng chỉ là giả thuyết khiên cưỡng để giải đáp một số vấn đề về mặt kỹ thuật của quy luật Nhân Quả. Việc chứng minh có tái sinh, có đầu thai chuyển kiếp... chắc chỉ để nhấn nhá rằng Nhân Quả là có thật. Nhưng tôi thấy việc tìm kiếm vài dấu hiệu của tái sinh để chứng minh một quy luật đơn giản như thế là hơi thừa thãi. Hãy cứ đấm thẳng vào mặt kẻ nào dám tuyên bố: "Tôi không tin Nhân quả" xem. Đảm bảo nếu cú đấm của bạn đủ mạnh, hàm răng của kẻ bị đấm sẽ ra đi, và người đấm có thể có cơ hội bóc lịch...
...

Tôi coi cuộc sống giản đơn như bức tranh. Và việc chúng ta nêu ra các mệnh đề giả thuyết thì cũng tương tự như việc bạn phác hoạ nét chì cho bức tranh đó. Thế rồi bạn vẽ những gì đã được phác hoạ bằng màu nước, bằng mực tàu hay sơn dầu gì đó cho ý tưởng của bạn. Đó là việc mà bạn gọi là sống đấy.

Tôi không muốn đề cập đến chuyện bạn tô lại ý tưởng của bạn chỉ để hoàn thành bức tranh. Có lẽ tôi muốn đề cập đến những ý tưởng ban đầu khi bạn bắt đầu hình thành những phác hoạ... 

Nếu bạn là tín đồ của hội hoạ phương Tây, tôi nghĩ những nét vẽ của bạn khó thoát khỏi bố cục hình khối theo một nguyên tắc rất toán học. Dĩ nhiên, nếu bạn có thực tài, bạn sẽ vượt qua được những nét vẽ cơ bản đó, để sáng tạo ra hẳn một trường phái rất riêng, mà chẳng có trường lớp nào đã từng dạy. Còn nếu đơn giản bạn là anh thợ vẽ, thì cứ dừng lại những gì mà nhà trường đã dạy. Cả hai bức tranh đều hoàn thành theo thời gian, theo từng nhu cầu, và sẽ tồn tại đúng giá trị thật của nó. Đó là sự công bằng của lịch sử.

Nếu bạn là tín đồ của hội hoạ phương Đông, tôi nghĩ bạn khó mà chấp nhận những nét vẽ khô ráp và cứng nhắc trong các bức phác hoạ kiểu phương Tây rồi. Cuộc sống của bạn chỉ là vài nét vẽ lướt qua lướt lại, đậm nhạt tuỳ hứng. Và thường thường, kẻ càng có tài năng lẫn kinh nghiệm trong hội hoạ phương Đông, thì nét vẽ càng nhanh, càng tối giản và tốt nhất là cứ thấp thoáng mập mờ thì càng trường thọ trong nghề. Quan tâm từng chi tiết nhỏ của bức tranh, có lẽ chỉ dành cho những kẻ mới vào nghề.
...

Bạn đọc đến đây thì đừng bảo tôi phân tích hội hoạ nhé. Tôi mù tịt về hội hoạ. Tôi chỉ giản đơn tâm sự cuộc đời của tôi thôi. Và vì tôi chẳng biết dùng từ nào để kể lể nên đành lôi chuyện vẽ vời ra để cho nó đúng chất: đã "vẽ" lại còn "vời"...

Tôi không thích một cuộc sống hình khối. Nó không hợp với bức tranh của tôi. Phác hoạ trong đầu tôi giản đơn lắm: không Thiên đường, không Chúa trời, không Địa ngục, không huyền bí, không thần thông quảng đại, không hô phong gọi gió... Tôi chiều chuộng thân thể đủ để nó duy trì hơi thở cho tôi mỗi ngày mà tôi còn muốn thở. Tôi chiều chuộng hành động đủ để đảm bảo tôi sẽ không bị ai đó cho mình ăn tát một cách vô cớ. Tôi chiều chuộng ý thức đủ để tôi không cảm thấy ăn năn hay hối tiếc bất cứ điều gì. Rồi mọi chuyện cứ thể đến, cứ thế đi. Khi cần thì giữ lại pha ấm trà, khi cần thì để nó đi như vườn không nhà trống...

Tôi không thích dùng những mỹ từ như "yêu thương", "khiêm tốn", "tha thứ", "buông xả"... dành cho cả mình lẫn người khác. Tại cứ mỗi lần trong đầu tôi vang lên những mỹ từ như vậy, thì lập tức một loạt từ khác cứ rục rịch muốn chiến đấu lại, nào là "ghét bỏ", "kiêu căng", "chấp trước", "ghen tị", "tự ti", "giận hờn"... Và thế là tự mình biến mình thành chiến trường cho những giá trị đạo đức "đấu tranh" nhau không ngừng nghỉ. Vì chiều chuộng bản thân vừa đủ, nên tôi không muốn mình thành chiến trường nghiệt ngã đó, nên tôi khước từ cả thiện lẫn ác, cả xấu lẫn tốt... 

Cách chiều chuộng thân thể tốt nhất là: cứ sống chân thành với sự thật đi, rồi sự thật cũng sẽ chân thành với mình thôi. Chẳng hạn bạn đâu cần phải nói "tôi yêu em" để rồi lại tự đấu tranh với "tôi ghét em". Là Người nghĩa là phải quây quần tụ hợp lại cùng nhau, để bảo vệ bản thân trước thú dữ, để duy trì giống nòi, để duy trì sự sống... Quây quần tụ họp lại, trước là để yêu mình, sau cũng là vì mình mà "cần" yêu người. Vì biết không thể không "yêu", thế thì cứ nhẹ nhàng mà yêu, hô hào "tình yêu là cao quý, là linh thiêng, là vĩ đại..." làm gì cho uổng phí thời gian. Những giá trị đạo đức khác cũng như vậy thôi. Cứ mất thời gian hô hào, ca ngợi, xiển dương là y như rằng lại "đẻ" thêm một bầy chống đối, chê bai, đả kích... Và cuộc sống là chiến trường cũng do những kẻ to mồm thích hô hào những điều quá hiển nhiên mà ra đấy.
...

Xin lỗi đã làm mất quá nhiều thời gian của các bạn. Nhưng điều duy nhất khiến tôi còn tiếp tục cầm bút để vẽ nên cái gọi là bức tranh mang tên cuộc đời - chỉ bởi tôi đã lỡ vẽ quá nhiều - và bây giờ thực ra là tôi đang dùng tẩy để xoá dần đi những phác hoạ.

Tôi mạo muội nghĩ rằng, mỗi người trong chúng ta, đều đã và đang vẽ nên bức tranh cuộc sống của chính mình. Và theo thiển nghĩ của tôi, cách vẽ tốt nhất của chúng ta lúc này là bắt đầu nên tập xoá - xoá đi những thiên lệch thắng thua, thiện ác, phải trái, đúng sai, tốt xấu... - Tôi coi sự thiên lệch đó là khởi nguồn làm bẩn tờ giấy trắng của bạn.

"Đẹp mà không đẹp!"
Bạn còn nhớ lời thày giáo dành cho cậu bé vẽ chú ngựa lên bức tường không?
Hô hào "yêu thương", "khiêm tốn", "nhẫn nhục", "tha thứ"... ư??
Đẹp mà không đẹp!

(15/11/14)


CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
1 Comments

1 nhận xét:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất