"Hoà bình hay chiến tranh, cũng chỉ là rêu xanh, bám trên nấm mồ hoang" - Trịnh Công Sơn đã viết như thế trong bài hát "Những nấm mồ hoang". Và khi tôi nghĩ về tôi, tôi nghĩ về bạn, tôi đành phải sửa chúng lại một chút: "Niềm vui hay nỗi buồn, cũng chỉ là gió thoảng, lướt qua đời phiêu du".
Bạn đang ngẩn ngơ giữa nga ba đường, với trăm ngàn lý tưởng chọn lựa? Có kẻ đã chọn con đường cầm súng, để rồi hy sinh chính bản thân mình cho lý tưởng đó. Có kẻ đã chọn con đường cầm bút, để rồi miệt mài tìm kiếm những ngôn từ biểu đạt được điều mình tư duy. Có kẻ đã chọn con đường rong ruổi, để rồi khám phá ra trăm điều mới lạ trên những cung đường dưới chân...
Chúa Jesus có con đường của ông, và với ông, việc chết trên thánh giá là một ân phúc Trời ban. Đức Phật Thích Ca cũng có con đường của riêng mình, và việc tìm kiếm được bản chất thực tại lại là hạnh phúc mà ông cho là khả thể. Tôi có con đường riêng của tôi, và việc miệt mài sống chết với nó lại là một bí mật linh thiêng. Bạn cũng có thể có con đường riêng của bạn, và đi như thế nào là quyền tự do của bạn.
Có những con đường tìm kiếm được nhiều sự đồng thuận của đa số đám đông, chẳng hạn tín đồ của Jesus hơn 1 tỷ 2 người, theo dấu chân của Mohamed có đến cả tỷ người và theo con đường của Đức Phật Thích Ca cũng xấp xỉ không kém. Ít hơn 3 con đường trên là hàng trăm học thuyết triết học, hàng trăm học phái nở rộ như hoa mùa xuân.... Bên cạnh đó có cả những con đường chưa từng có người bước, hoặc có bước thì khả dĩ cũng chỉ có 1 hoặc 2 người, chẳng hạn như tôi đang cố tìm kiếm con đường nào đó vắng bóng đám đông nhất. Nhiều hay ít, đã từng tồn tại hay chưa từng tồn tại không phải là vấn đề, vấn đề là bạn đã sẵn sàng chưa?!
Có những người đang đi trên cung đường này, nhưng vẫn ngó nghiêng con đường khác. Có những người chưa sẵn sàng lựa chọn bước đi nhưng đã bắt đầu học hỏi kinh nghiệm của những người đã từng bước. Có những người thử áp dụng cùng lúc nhiều con đường khác nhau và coi đó như là bước thử nghiệm thú vị.... Đừng vội vàng xét đoán đúng hay sai trong những thử nghiệm như vậy, bởi việc xét đoán một thử nghiệm nào đó, khi đã đứng sẵn trên một con đường nào đó thật dễ dàng, nhưng chẳng bao giờ là đúng. Chẳng hạn bạn dư quyền đánh giá việc ai đó tin Chúa là mê tín, nếu bạn là một Phật tử, nhưng sự xét đoán như thế là vô nghĩa, với người đang tin có Chúa.
.....
Bạn đã chọn con đường trở thành Phật tử và bạn đang băn khoăn chuyện làm kinh tế?? Tôi có vài thắc mắc về việc bạn quan niệm thế nào là một Phật tử, thế nào là một doanh nhân, và có sự mâu thuẫn chăng giữa việc là một Phật tử với việc là một doanh nhân??
Riêng tôi, tôi không nghĩ Đức Phật cấm đoán việc cơm, áo, gạo, tiền... trên con đường tìm kiếm bản chất thực tại, bởi xét cho cùng, trước hết bạn phải khoẻ mạnh về thể xác đã, rồi mới đủ sức mà suy tư về trí tuệ. Thân xác tiều tuỵ và coi việc ăn, mặc... là kẻ thù chưa bao giờ là hình ảnh của một vị Phật lý tưởng. Mà muốn có thân thể khoẻ mạnh thì điều kiện cơ bản là bạn phải có cái ăn. Muốn có cái ăn, bạn phải lao động. Vậy ta có thể hiểu, lao động kiếm ăn chính là xuất phát điểm cho việc thành Phật đấy. Kinh Chuyển luân sư tử hống (Cakkavattisìhanàdasutta, Trường Bộ kinh 26) nói rõ rằng sự nghèo khó (dàliddiya) là nguyên nhân của vô đạo và tội ác như trộm cắp, tà vạy, bạo động, thù hằn, độc ác v.v.. Kinh Kùtadantasutta đề nghị muốn diệt tận gốc tội lỗi, cần phải cải thiện điều kiện kinh tế của con người, cần phải cung cấp cho tá điền và nông phu hạt giống và phương tiện trồng trọt, vốn phải được cung cấp cho những thương gia và người buôn bán; lương hướng thích đáng phải được trả cho những người làm công. Khi mọi người đều được cung cấp cơ hội để kiếm được lợi tức đầy đủ họ sẽ bằng lòng, không sợ hãi lo âu, và do đó xứ sở sẽ thanh bình, không có các tội lỗi...
Bạn có nghĩ mình là Phật tử không? Trong hàng đệ tử Phật, người ta thường chia ra bốn nhóm: những người xuất gia nam, những người xuất gia nữ, những người cận sự nam và những người cận sự gia nữ. Theo đó, hai nhóm đầu là những người dành trọn cuộc đời mình cho việc tìm kiếm, thực hành những kinh nghiệm mà Đức Phật đã từng trải qua. Hai nhóm sau, do những bận bịu riêng tư nên chưa đủ thời gian để dành trọn vẹn cuộc đời cho nó, nên chỉ có thể thực hành những giáo lý căn bản phù hợp với sự bận bịu riêng tư. Bạn là ai trong số bốn nhóm trên?
Nếu bạn không phải là một trong hai nhóm đầu, thế thì băn khoăn giữa việc trở thành một Phật tử với trở thành doanh nhân không có gì là mâu thuẫn hết. Đức Phật đã từng có những người học trò làm vua, làm tướng đánh giặc, làm thương gia, làm giáo sỹ, làm công nhân, làm nô lệ và kể cả làm kỹ nữ. Trong mỗi trường hợp, Người đều có những phương thuốc trị liệu riêng, dành cho mỗi đối tượng, trên con đường xây dựng hạnh phúc. Vì thế nếu bạn đã là Phật tử, thì cứ vô tư làm thương gia. Nếu bạn đang là thương gia, bạn cũng có thể trở thành một người Phật tử, bất cứ khi nào bạn sẵn sàng.
Những giáo lý căn bản trong Phật giáo như Năm giới, Con đường trung đạo tám nhánh, hay việc thực hành Giới Định Tuệ là cần thiết cho bất kỳ ai, trong bất kỳ trường hợp nào. Chúng là kim chỉ nam cho việc tu tập, và cũng là nghệ thuật cho việc làm kinh tế. Nếu bạn là một Phật tử, và nghĩ Năm giới cấm chỉ dành cho những người ở ẩn trong rừng sâu núi cao, hay việc thực hành Con đường trung đạo tám nhánh không thích hợp cho việc quản lý và phát triển kinh tế, thì tôi mạo muội nghĩ rằng bạn chẳng hiểu gì về Đức Phật và những lời dạy của Ngài. Nếu bạn là một doanh nhân, và nghĩ rằng những gì Đức Phật dạy không thể áp dụng cho công việc kiếm tiền của bạn, thì tôi mạo muội nghĩ rằng bạn suốt đời chẳng bao giờ giàu lên đường, và cùng lắm thì bạn chỉ đi làm công cho người khác mà thôi.
...
Bạn có thể biện luận rằng đạo Phật coi Tham, Sân, Si là ba nguyên nhân căn bản trong mười căn bản phiền não, vì thế muốn đi trên con đường của Đức Phật thì không được tham; trong khi làm kinh tế lại lấy lợi nhuận là mục tiêu tối thượng, nên không thể không tham. Nhìn sơ qua, ý kiến đó có thể đúng phần nào về mặt hình thức. Nhưng suy ngẫm sâu sắc hơn một chút, với những người làm kinh tế chuyên nghiệp, thì lợi nhuận được tìm kiếm và sử dụng chúng như thế nào mới là chìa khoá cho việc duy trì và phát triển bền vững. Lợi nhuận kiếm được bằng các mánh khoé chụp giật, ăn xổi ở thì, mua 1 bán 10... thì lợi nhuận đó sớm muộn cũng theo gió mà bay. Trong khi đó nếu bạn biết tìm lợi nhuận bằng việc xây dựng chữ tín, chất lượng sản phẩm và dịch vụ; biết tái cơ cấu lợi nhuận phù hợp; biết chăm lo đến các hoạt động công ích xã hội... từ chính những lợi nhuận mà bạn kiếm được thì đó mới là cách làm kinh tế khôn ngoan.
Lợi nhuận khi nào thì đồng nghĩa với chữ Tham và khi nào thì đồng nghĩa với chữ Thiện? Khi lợi nhuận chỉ biết tích cóp cho bản thân, được xây dựng dựa trên lừa lọc thì nó là tham. Nếu nó được hình thành trên chất lượng sản phẩm, dành cho tái đầu tư, đóng góp của cải phát triển xã hội, mở rộng công ăn việc làm cho công nhân... thì nó là Thiện. Cũng là lợi nhuận đấy, nhưng một đường đưa bạn đến khổ đau, một đường đưa bạn đến an lạc, bạn có quyền chọn lựa mà, phải không??
Hãy nghiệm thử lời dạy này của Đức Phật dành cho Ông Cấp Cô độc - một thương gia danh tiếng về hạnh phúc thường nhật của một người tại gia:
1. Thụ hưởng sự bảo đảm về kinh tế hay tài sản đầy đủ, kiếm được bằng những phương tiện chính đáng (sở hữu lạc, atthisukkha).
2. Tiêu dùng tài sản ấy một cách rộng rãi cho chính mình, cho gia đình, bà con, bè bạn và trong những việc công đức (thọ dụng lạc, ananasukkha).
3. Không có nợ nần (vô trái lạc, anana-sukkha).
4. Sống một đời trong sạch, không phạm những điều ác trong ý nghĩ, lời nói hay hành vi (vô tội lạc, anmajjasukkha)....
Hoặc trong một lời dạy khác, dành cho một cư sỹ Phật tử tên là Dìghajànu:
- Thứ nhất là phải tài khéo, có hiệu năng, hăng hái và có nghị lực trong bất cứ nghề nào mình làm, và phải tinh xảo trong nghề nghiệp mình (utthànasampadà).
- Thứ hai là phải bảo vệ lợi tức mình đã kiếm được một cách chân chánh, bằng mồ hôi trán (àrakka-sampadà); nghĩa là bảo vệ tài sản cho khỏi bị trộm cắp v.v..
- Thứ ba là phải giao du với bạn tốt (kalyànamitta) trung thành, có trí thức, đức hạnh, phóng khoáng và thông minh, người sẽ giúp mình đi theo chánh đạo, xa lánh đường tà.
- Thứ tư là phải tiêu dùng chừng mực, tùy theo lợi tức, đừng tiêu quá nhiều cũng đừng quá ít, nghĩa là không nên bo bo tích trữ tài sản, nhưng cũng không nên phung phí - nói cách khác phải sống trong giới hạn những phương tiện mình có (samajì vikatà).
- Thứ hai là phải bảo vệ lợi tức mình đã kiếm được một cách chân chánh, bằng mồ hôi trán (àrakka-sampadà); nghĩa là bảo vệ tài sản cho khỏi bị trộm cắp v.v..
- Thứ ba là phải giao du với bạn tốt (kalyànamitta) trung thành, có trí thức, đức hạnh, phóng khoáng và thông minh, người sẽ giúp mình đi theo chánh đạo, xa lánh đường tà.
- Thứ tư là phải tiêu dùng chừng mực, tùy theo lợi tức, đừng tiêu quá nhiều cũng đừng quá ít, nghĩa là không nên bo bo tích trữ tài sản, nhưng cũng không nên phung phí - nói cách khác phải sống trong giới hạn những phương tiện mình có (samajì vikatà).
Đến đây thì bạn đã yên tâm vừa là một Phât tử vừa là một doanh nhân chưa? Riêng tôi, tôi muốn nói nhỏ đôi điều với bạn rằng, thật ra chưa bao giờ và chưa từng có một cá nhân nào là Phật tử đơn thuần là một Phật tử. Không có cái nghề nào tên là "Phật tử", và chẳng có ai chỉ sống với hai tiếng "Phật tử" cả. Là "Phật tử" luôn là một ai đó, hoặc là công nhân, hoặc là học sinh, hoặc là thương gia, hoặc là chính trị gia, hoặc là nhà quân sự... Điểm chung của tất cả những người có những ngành nghề khác nhau trong xã hội, nhưng đều gọi là Phật tử, chỉ đơn giản là họ áp dụng lời dạy của Đức Phật vào trong từng trường hợp cụ thể, phù hợp với ngành nghề của họ.
Bạn có nhận ra sự giống nhau giữa chiến tranh và hoà bình trong bài hát của Trịnh Công Sơn mà tôi đã bắt đầu bài viết này không? Đó chính là "rêu xanh" phủ trên nấm mồ hoang, ở cả phe chiến thắng lẫn chiến bại.
Bạn có nhận ra sự giống nhau giữa niềm vui và nỗi buồn mà tôi đã chia sẻ cùng bạn ngay từ đầu bài viết không? Đó chính là "gió thoảng" lướt qua đời phiêu du, dẫu có thể bạn mệt mỏi lắm con đường mà bạn đang đi.
Là Phật tử hay không phải là Phật tử không quan trọng
Quan trọng là bạn tự quyết với sự lựa chọn của riêng bạn
Và khi bạn tự quyết, bạn là chủ con đường bạn đi.
Là doanh nhân hay không là doanh nhân không quan trọng
Quan trọng là bạn không hổ thẹn với việc làm của mình
Và khi bạn không hổ thẹn, bạn là người tự do và thanh thản.
(24/4/15)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!