Tình yêu của anh ơi?
Em ngủ say rồi đúng không nào? Anh chỉ chờ em ngủ say mới mở máy viết thư cho em đấy. Vì sao vậy? Vì anh rất ngại khi để em chứng kiến anh đang say, và anh còn ngại hơn nữa là để em thấy cảm xúc khi anh đang say. Người ta bảo, đàn ông sống thật nhất là khi họ say. Thế nên, lúc anh say, tốt nhất là em nên đi ngủ, hoặc là em cũng phải say cùng anh, kiểu như, anh say rượu còn em say tình vậy, hoặc ngược lại. Chứ một người tỉnh nói chuyện với một người say, kiểu nào cũng lạc giọng, không thì ông nói gà bà nói vịt, em nhỉ?!
Hoa nhài ơi!
Đã 3 đêm nay, đêm nào anh cũng để bài hát "Túy hồng nhan" ru anh ngủ. Túy là say, hồng nhan là chỉ thân phận một cô gái. Bài hát được cất lên trong bất cứ tình huống bi thương nào của bộ phim Tân thủy hử. Nếu em có dịp nghe, hẳn nhiên em sẽ không gọi đó là một bài hát. Vì toàn bộ ca khúc, ngoài tiếng "la la" đầy thổn thức của cô ca sỹ thì chẳng có âm điệu hay lời ca nào hết. Thế mà nó cũng thành ca khúc kinh điển đấy.
Tại sao gọi là "Túy hồng nhan"? Phải chăng đó là nỗi lòng của Kim Liên trong nỗi nhớ về Võ Tòng? Hay nỗi lòng của giáo đầu Lâm Xung khi thù chưa trả? hay tâm sự khôn nguôi của Tống Giang khi để Lý Quỳ cùng nhau uống chung rượu độc?... Em thấy đấy, hồng nhan không chỉ dành riêng cho số phận một cô gái, mà bất cứ ai có tâm sự u uẩn đều có thể thốt lên "túy hồng nhan" cả.
Tình yêu ơi?
Em có biết vì sao anh say không? Vì chưa bao giờ anh tỉnh cả, nói đúng hơn, anh không biết tỉnh là gì. Vậy với một kẻ không biết tỉnh là gì, thì say có còn gọi là say? Nếu đã không thể gọi là say, sao còn tìm kiếm chi tỉnh? Đấy là một trò chơi luẩn quẩn của ngôn ngữ, chúng tự tách thành hai, và rồi tự tìm kiếm, tự nắm giữ, tự buông bỏ... Ngôn ngữ biến cuộc đời trở thành trường đấu tranh cho những đối đãi tưởng tượng, và chúng ta, những con người, tự biến mình thành quân cờ, lao vào trò chơi vô cùng tận của ngôn ngữ mà không có đường ra.
Em có biết vì sao người ta gọi "hồng nhan" là bạc mệnh không? Vì một cô gái xấu đã là một sự đọa đày rồi, thêm sự đọa đày nữa cũng chẳng sao. Còn đây là "hồng nhan", nghĩa là một cô gái đẹp, là cái đẹp, mà cái đẹp nhưng vướng vào sự đọa đày thì tạo ra bi thương, tạo ra ngang trái, tạo ra nuối tiếc... Và chính cái bi tồn tại ngay trong cái đẹp đó mới gây ra xúc cảm cho con người, cho những khát vọng hướng về cái Đẹp mà con người hằng ước ao. Con người nói chung, và chúng ta nói riêng, khát khao sự hoàn hảo bao nhiêu thì lại tôn thờ những cặp đối lập bấy nhiêu, kiểu như "hồng nhan" thì phải "bạc mệnh", kiểu như "anh hùng" thì hay "phẫn chí", cũng như "em" là phải "yêu anh", không yêu không được, đó là số phận, đó là tiền duyên, đó là định mệnh, đó là trò chơi của tồn tại, đó là điều tất nhiên phải thế mà không thể khác được.
Em ơi?!
Những ngày qua em làm gì? Ồ, sẽ lại trả lời anh rằng, em phải đi làm và em cũng nhớ anh, đúng không nào?! Anh biết chứ. "Đi làm" là thực tế, "nhớ anh" là cảm xúc. "Đi làm" là thực tại, "nhớ anh" là giấc mơ đưa em bay lên trên thực tại. Nếu cuộc đời một con người mà chỉ biết đi làm và đi làm thì khác chi một cỗ máy được lập trình. Cũng như không một ai có thể chỉ biết nhớ anh và nhớ anh cả, nếu họ không muốn chết đói trước khi được toại thành nỗi nhớ. "Đi làm" và "nhớ anh" vừa là một song trùng đầy mâu thuẫn, nhưng nó lại tồn tại cho nhau, không chỉ là bổ sung, mà còn là vì nhau. "Đi làm" để "Nhớ anh" có ý nghĩa, cũng như "Nhớ anh" chỉ hiện hữu khi biết "đi làm".
Những ngày qua anh làm gì? Ô, anh thì lại chỉ biết "nhớ em" thôi! Tại sao lại như vậy? Tại vì cái nỗi nhớ trong anh, đó không chỉ là cảm xúc, đó còn là thức ăn, đó còn là gia vị. đó còn là tinh chất nuôi dưỡng tâm hồn và thể xác của anh mỗi ngày. Vì "nhớ em" mà anh sống, vì "nhớ em" mà anh ăn, vì "nhớ em" mà anh làm việc... chỉ để nỗi nhớ trong anh về em thêm sâu sắc, thêm rộng, thêm dài, thêm khắc khoải. Anh làm tất cả cho nỗi "nhớ em" được hình thành, được tồn tại, được phát triển, được thăng hoa đến mức xa em cũng nhớ mà gần em cũng nhớ, không em cũng nhớ mà gần em cũng nhớ, sao cho một ngày nào đó, mình ở xa cũng như ở gần, nói rất nhiều mà dường như im lặng, viết rất nhiều mà dường như không chữ.
Hoa nhài ơi?
Tiếng "la la" của Lưu Y Đóa trong bài hát "túy hồng nhan" có nghĩa không? Chúng chả có nghĩa gì cả, nhưng chúng lại là tất cả. Chúng nói lên tâm trạng của cô gái Kim Liên xinh đẹp cưới phải anh chồng xấu xí Võ Đại Lang, chúng nói lên nỗi tương tư của cô gái xuân thì với anh chàng Võ Tòng lực lưỡng, chúng diễn bày được sự uất ức của Lâm Xung khi không giết được kẻ thù Cao Cầu, chúng cũng mô tả được tâm trạng phẫn chí cùng sự ngu trung của Tống Giang với triều đình... Mà bài hát đó là gì? Chẳng là gì cả, chỉ là tiếng "la la" vô nghĩa, chỉ là cơn say của một cô gái, của một chàng trai, của một anh hùng bất lực trước thời cuộc, của những cặp đối lập loại trừ nhau nhưng lại cần nhau để tồn tại.
"Túy hồng nhan" cũng là khúc ca cho chuyện tình của chúng ta. Chúng có thể chỉ là một cơn say của hai kẻ, say rượu lẫn say tình. Chúng có thể chỉ là cặp mâu thuẫn, không thể sánh bước cùng nhau, nhưng lại không thể xa nhau. Chúng cũng có thể chỉ là số phận đã đặt định chúng ta, ở mỗi phương trời, đi theo con đường của riêng mình, nhưng đều hướng về nhau... Theo kiểu nào cũng được, nghĩa nào cũng được, chỉ biết bây giờ anh đang để lòng mình chơi vơi cùng khúc hát "túy hồng nhan", và tình yêu của anh ơi, chẳng biết em đang say ngủ hay say tình, anh chỉ biết là nơi nào có anh là có em, và có em hẳn nhiên là không thể thiếu anh đang bên cạnh.
Và vì thế, viết thư cho em đấy, nhưng thật ra là đang viết cho anh, cho nỗi lòng của anh.
Mà anh là ai? Anh là Trí Không ư? Anh là một chàng trai đang yêu nào đó ư?...
Không!
Anh là Em đấy!
Anh viết cho anh cũng là viết cho em, mà anh viết cho em cũng là viết cho anh.
Vì chúng ta, có khi nào là hai? Có khi nào xa cách?
Mình nhỉ?!
(20/9/2016)
(20/9/2016)
Thư gửi hoa nhài
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!