Hôm trước, có người bảo tôi rằng: Sao đọc các bài viết của anh, bỏ qua những suy tư không bình thường, em chỉ thấy ở đó là một vòng tròn, luẩn quẩn. Kiểu như đi bên này, lại tiếc bên kia. Sang bên kia, lại thèm bên này. Tôi cười chua chát: Anh biết sao được, đó là số phận chăng?!
Cuộc đời đâu như là một bài toán để trong vô vàn cách giải, cũng chỉ có một đáp số đúng! Cuộc đời như một vòng tròn đa diện, mà chỉ cần xoay một cái, hoặc khác góc nhìn một cái là đã có một đáp số khác rồi. Nhưng ai dám chắc đáp số mình nhìn là duy nhất đúng, hay tất cả đáp số đều đúng?!
Tôi không phải là thánh nhân, càng chẳng phải là viên ngọc toàn bích để là gương mẫu cho đa số. Tôi chỉ là người bình thường, trần tục... và tôi yêu sự bình thường, trần tục đó. Cho nên, tôi không trốn tránh chính mình, gọt đẽo bản thân cho vừa mắt người khác. Tôi sống theo đúng kiểu cách như thế, tự nhiên... và mặc xác mọi kết quả có thể xảy đến.
Tôi không phải là người đã đến đích, mà nói đúng hơn tôi khước từ mọi đích đến. Tôi thích đi, và đi đâu thì ngay cả tôi cũng chưa biết. Nhưng đừng bắt tôi dừng lại, ở bất kỳ bến bờ nào, dù đó có là Thiên Đường hay Niết bàn, vì không gì chán và nhạt nhẽo hơn là ở yên trong một tháp ngà và hàng ngày chờ đợi ai đó mớm cho vài hạt gạo. Tôi là cánh chim trời, là áng mây bay, và bất cứ ai có ý định cột trói một cánh chim trời, một áng mây bay... đều đang giết tôi một cách nhanh nhất.
Sáng hôm qua, khi tới nói chuyện cùng các em học sinh cấp 1 và cấp 2, tôi đã nói với các anh chị quản sinh rằng: đừng bắt các em phải ngồi im lắng nghe buổi chia sẻ của tôi. Nếu các em mỏi chân, hãy cho em ấy được thả lỏng; nếu các em thích nói chuyện, hãy cho các em ấy tụm năm tụm ba xôn xao bàn tán; nếu các em không tập trung nghe tôi nói, mà thích nghe tiếng chim hót bên thềm, ngắm nhìn mây bay ngoài ngõ, hãy để các em ấy được tự do... Tôi đến đây không phải để dạy các em ấy, mà để học các em ấy, học sự hồn nhiên, vô tư và thảnh thơi mà các em ấy đang có.
Đừng bảo em ấy phải tập trung nghe tôi nói, vì tiếng nói của tôi không hay hơn tiếng chim hót, không nhẹ như mây... thì tại sao lại o ép người ta tập trung vào một sự kiện dở hơn. Tập trung vào một cái gì đó là không thể bắt buộc, không thể cưỡng cầu. Và theo tự nhiên, con người ta chỉ thích tập trung vào cái mà họ yêu, cái mà họ thích mà thôi, cho nên, nếu tôi muốn các em ấy tập trung về tôi, thì tôi phải làm sao hấp dẫn hơn tiếng chim, hơn áng mây... chứ không phải là cột trói các em ấy lại.
Càng lớn, chúng ta càng đánh mất đi sự hồn nhiên vô tư vốn có của chúng ta. Chúng ta đã bị đám đông, tập quán, truyền thống, thói quen, và rất nhiều những nguyên tắc khoác chiếc áo đạo đức gọt đẽo chúng ta, biến chúng ta trở thành một hình mẫu hoàn hảo của xã hội, nhưng lại là một sinh vật dị dạng của tự nhiên. Và với bất kỳ xã hội nào, chống trái với tự nhiên, đều sớm hay muộn sẽ bị tự nhiên đào thải. Hãy nhìn các đợt sóng thần tại Thái Lan hoặc Nhật Bản vừa qua, hàng nghìn người đã chết nhưng những sinh vật sống tự nhiên như thú hoang, như chim chóc... lại rất ít. Vì sao? Vì cái xã hội dị dạng này đã gọt đẽo của chúng ta đi mất cái khả năng dự báo thảm hoạ mà tự nhiên đã cung cấp. Chúng ta khổ vì chúng ta phi tự nhiên, vì chúng ta bị khống chế bởi vô vàn những thứ ảo tưởng do chính chúng ta tự vẽ ra.
Khi nào thì chúng ta cảm thấy mình đẹp nhất, hoàn hảo nhất? Không phải là lúc xã hội tung hô ta trên chính tầng mây. Bởi cái mặt cao ngạo của chiến thắng, cái mũi phổng to của tự hào... chỉ là bộ mặt của bản ngã chất chứa đầy những toan tính và thủ đoạn. Tôi luôn cho rằng, khoảnh khắc tôi đẹp nhất là khoảnh khắc tôi trần truồng, đứng trong nhà tắm, không quần áo che thân, không giả tạo gượng ép, không đóng kịch cho bất kỳ ai xem. Cởi bộ quần áo xuống, tôi quên tôi là một ai đó trong cái xã hội dị dạng này. Tôi không phải gượng khóc gượng cười cho người xem, nên tâm tư tôi được giải phóng, được tự do là chính mình. Cho nên, cái hạnh phúc đích thực không phải là thành tựu những mong cầu, vì mong cầu vốn là cái thùng không đáy, lúc nào cũng đói ăn, cũng khát khao và ham muốn. Hạnh phúc đích thực, với tôi, phải là tự do được là chính mình, sống thật với mình, không giả tạo, không gượng ép, khước từ mọi khen chê và đặc biệt lúc đó mình rũ bỏ mọi khái niệm đã được định danh, chẳng là thằng nào hết, không là thầy tu, chẳng cần phải chỉnh chu gương mẫu. Tôi không là thằng quái nào hết, tôi tự do và tôi hạnh phúc.
Đêm hôm qua, tôi tổ chức một buổi gặp gỡ nhỏ, tạm đặt tên là Buổi tư vấn và cầu nguyện mùa thi. Vô tình có nghe một em nào đó bảo: em muốn để mọi thứ tự nhiên, không cần phải xin xỏ gì hết. Tôi ngạc nhiên: từ khi nào, nghĩa của chữ cầu nguyện khoác thành chiếc áo của xin xỏ?
Các bạn đến với buổi gặp gỡ mà tôi tổ chức, các bạn có thấy tôi cho các bạn điều gì không? đức Phật có cho các bạn điều gì không? các bạn có cần phải xin gì không?... Không hề, không có bất cứ yếu tố nào của xin và cho, không có bất kỳ một sự trông chờ 100% nào vào may rủi. Bạn đến với tôi, bạn ngồi đó, tôi ngồi đây, thảnh thơi, không luyến tiếc quá khứ đã qua, không hy vọng vào tương lai xa vời. Bạn ngồi đó, và tôi ngồi đây, chúng ta gặp nhau, như một người đi trước tâm sự cho người đi sau. Bạn ngồi đó, và tôi ngồi đây, sự chính niệm và tỉnh thức trong giây phút hiện tại tự thân tạo ra giữa chúng ta một trường năng lượng tâm linh nhẹ nhàng, không áp lực, không mong cầu, không để bị cuốn theo những mong cầu từ người khác và từ chính ta. Ai đang xin và ai đang cho? Xin điều gì và Cho điều gì? Không, chỉ có thảnh thơi gặp gỡ thảnh thơi, tự tại và nhẹ nhàng gặp gỡ tự tại và nhẹ nhàng mà thôi.
Đâu mới thực là tinh chất của cầu nguyện? Đó không phải là xin cho, càng không phải là chờ đợi may rủi. Cầu nguyện là bày tỏ chính mình, và tìm kiếm sự đồng cảm nhằm hợp nhất giữa chủ thể và khách thể trong tính tương giao đến mức quên ta và người, quên luôn cả điều cầu nguyện. Chỉ còn lại tịch lặng, chỉ còn lại thấu hiểu. Đừng nghĩ phải nói mới hiểu, bởi thấu hiểu thật sự thì không cần đến ngôn từ. Đừng nghĩ phải nhìn mới thấy, bởi cảm thông thật sự thì nhắm mắt cũng tận tường. Sáu căn của chúng ta là cửa ngõ để tiếp nhận thông tin, nhưng sự vội vàng quá mức đã khiến chúng ta bị lừa bịp khá nhiều bởi chúng. Đã biết bao lần bị ảo tưởng bởi ngôn từ được nghe, bởi hình ảnh được thấy... mà vẫn chưa tỉnh giấc Nam Kha sao?!
Theo thời gian, tôi càng ngại nói, ngại viết, ngại giải thích và đính chính... về một điều gì đó. Người ta hiểu lầm tôi ư? Không, không ai hiểu lầm gì về tôi cả. Tất cả những gì họ đã thấy, đã nghe... về tôi đều rất thật, chỉ có điều những gì họ thấy và họ nghe đó chưa phải là tất cả con người tôi. Họ đánh giá đúng đấy, họ phán xét đúng đấy... nhưng chỉ là ở góc độ và chiều hướng của họ thôi. Còn tôi thì vẫn đang phiêu du ở nhiều chiều kích và góc độ khác nhau.. Trách họ ư? Không, không có gì phải trách cứ hết, mỉm cười thôi.
Theo năm tháng, khi tôi càng đi về tuổi già và cái chết, tôi càng cảm thấy mình bất cần hơn, bớt tranh đấu đúng sai hơn, bớt đòi hỏi hơn... Vì cái chết là ngưỡng cửa để cho tôi được là mình, còn chiếc áo mình đang mặc, cái danh mình đang mang, lời khen tiếng chê mà họ đang khoác lên người tôi sẽ được rũ bỏ sạch sẽ khi bước vào cánh cửa ấy. Vậy cần phải tranh đấu ư? cần phải giải thích ư? cần phải đòi hỏi ư? cần phải đính chính ư? cần phải giành giật ư?... Không cần, rác rưởi hết! Chỉ là một sinh vật vô danh lướt nhẹ qua cuộc chơi này thôi.
Tôi sinh ra là một vì sao lơ lửng giữa thinh không
Thì tôi xin tôi đừng cột trói chính mình vào bất kỳ điểm tựa nào
Là một vì sao thì hãy cứ toả sáng khi còn năng lượng, bất kể ngày hay đêm
Để rồi một ngày nào đó năng lượng lụi tàn,
hãy nhẹ nhàng và thảnh thơi mà tan vào màn đêm tịch tĩnh của đất trời
Không tiếng vang
Không lưu bóng
Không thuộc về riêng ai
Và suốt đời lơ lửng
...
Mặc kệ ngày mai
Mặc kệ trò đời kệch cỡm
Tôi một mình
Và suốt đời tự hào về điều đó
(29/5/17)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!