Đã sang ngày mới, ánh hừng đông đang chậm rãi ló dạng, bóng đêm đang tan dần... Đâu là khoảng cách giữa sáng và tối? Đâu là thời điểm của ngày và đêm?... Những câu hỏi, những hoài nghi chất chứa như thùng thuốc súng đang chực chờ bùng nổ... Thời điểm chưa chín muồi, nước vẫn chưa sôi... Tôi lặng lẽ mở cửa căn phòng, cho sương đêm thấm dần qua tà áo mỏng... Nhìn trời, nhìn tôi, nhìn những hoài nghi miên viễn, vô tận... Lặng lẽ, chậm rãi...
Tiếng Tổ Lâm Tế văng vẳng bên tai "Phùng Phật sát Phật"... Phật là ai? Có thể gặp Phật ở đâu? Giết ai? Giết cái gì? Ai giết? Ai bị giết? Đâu là hành động giết?...
Thế gian vẫn đang say giấc nồng. Trong vô vàn những giấc mơ chập choạng giữa sáng và tối, ai đang mơ những giấc mơ đẹp và mỉm cười mãn nguyện? Ai đang vẫy vùng trong tuyệt vọng với ác mộng vừa đi qua? Thế nào là mộng đẹp? Thế nào là ác mộng? Thế nào là mộng? Thế nào là thực? Thế nào là ngủ? Thế nào là thức? Thế nào là một giấc ngủ chập chờn? Thế nào là chìm sâu vào vô thức không tên?...
Gặp Phật giết Phật? Phật là Thái tử Tất Đạt Đa cắt ái từ thân, xuất gia tìm đạo, giác ngộ và giải thoát? Không, ông ta đã chết từ rất lâu rồi. Làm sao có thể giết một người đã chết? ... Cũng như làm sao giết được người trong mộng? Làm sao giết được một giấc mơ ngay trong cơn mơ?....
Gặp Phật giết Phật? Phật là giáo chủ một tôn giáo. Nhưng Tôn giáo là gì? Chúng phải chăng cũng chỉ như một học thuyết triết học, một đường lối, một quan điểm sống... như bao học thuyết triết học khác, quan điểm sống khác... Vậy Đức Phật khác gì Jesus, Mohamed, Platon, Aristote...? Hay chúng là một tổ chức? Nhưng tổ chức là gì ngoài trò chơi chính trị của những con người trần thế tạo dựng ra, nhằm tranh giành quyền lực, phe phái, địa bàn hoạt động, tín đồ đi theo...?
Gặp Phật giết Phật? Phật là sự tỉnh thức trong mỗi chúng ta. Nếu đó là sự tỉnh thức, thì giết hay không giết, ca ngợi hay chê bai, đả kích hay tán thán... đâu có làm sự tỉnh thức tăng hay giảm, trường tồn hay mất đi... Như mặt trời là mặt trời, đâu vì vài áng mây đen che phủ mà nói mặt trời lặn hay mọc, mất đi hay sống lại?
Hãy nhìn vào đám đông. Trong vô số người tự xưng là đệ tử Phật, bao nhiêu người thực sự hiểu Phật? bao nhiêu người núp bóng Phật để tìm cầu lợi dưỡng? bao nhiêu người đi theo Phật như một đàn cừu ngu ngốc cuồng si? bao nhiêu người như một con vẹt nhại lại tiếng nói của người khác mà tưởng như đã nắm sự thật trong tay? bao nhiêu người đang liếm lại những tàn dư của quá khứ đã được thải ra mà tưởng như sơn hào hải vị?...
Thế nào là hiểu Phật? Phật có cần ta lạy lục Ngài chăng? Phật có khả năng ban cho ta điều gì chăng? Phật có cần ta quảng diễn giáo lý của Ngài như con vẹt chăng? Phật có cần ta khư khư chấp thủ giáo điều để rồi tự hào là vật tế cho chân lý chăng? Phật có cần ta phải hy sinh bản thân chỉ để phân định đúng sai với những người mù về màu sắc chăng?...
Thế nào là Phật tử? Tôi vẫn thấy đâu đó những người khoác áo thầy tu, hoặc thường xuyên đi chùa, hoặc tham gia sinh hoạt các khoá tu, tham gia vào các CLB Phật tử, thân cận và gần gũi chùa chiền.... và đương nhiên nghĩ rằng mình đã là Phật tử. Rồi từ suy nghĩ đó, tự khoác cho mình chiếc áo quan toà, phán xét đúng sai, phán xét phải trái, hả hê khi thấy người này người kia am hiểu giáo lý không bằng mình... Để rồi khi chính mình rơi vào hoàn cảnh bất như ý thì tâm tư, hành động và lời nói cũng chẳng khác chính người mà mình đang chê cười là bao.
Thế nào là tín đồ? Tôi vẫn thấy đâu đó, rất nhiều người, với tâm niệm thành khẩn, với sự kính ngưỡng thiết tha... về chùa tu học. Niềm tin là cần thiết, nhất là giữa vô vàn các cơn gió độc mà cơ thể lại mong manh. Nhưng tin cái gì? Tin vào Phật mà không biết Phật? Tin vào Pháp mà không hiểu Pháp? Tìn vào Tăng mà không biết Tăng... ngoài cái định nghĩa Phật, Pháp, Tăng khô cứng trong sách vở với những lời giảng thuyết sáo rỗng của mấy ông thầy tu? Thà đừng tin còn hơn là cuồng tín. Vì khi người ta chưa tin hoặc không tin, người ta có thể học hỏi, trải nghiệm và khám phá. Còn cuồng tín? Chúng như một thành trì không có cửa. Bít bùng, không lối thoát, sống mãi với đáy giếng tối om và tự tin với bầu trời nhỏ bé. Không có lối thoát nào cho những kẻ cuồng tín. Già mà cuồng tín còn có thể chấp nhận. Trẻ mà cuồng tín thì thật đáng thương.
Thế nào là cuồng tín? Như một đứa trẻ được sinh ra trên một thân cây chuối lênh đênh giữa dòng. Chúng sống với thân cây chuối ấy, chúng ăn và sinh hoạt trên thân cây chuối ấy. Đất liền của chúng là cây chuối, bầu trời của chúng là cây chuối. Cha mẹ của chúng là cây chuối mà bạn bè của chúng cũng là cây chuối. Mãi mãi, không bao giờ chúng có thể chấp nhận một khái niệm "đất liền" khác ngoài cây chuối, vì chúng hiểu buông cây chuối tức là chết. Tại sao tín đồ phần đa là cuồng tín? Vì ngay từ khi sinh ra, chúng đã được tiêm nhiễm những quan điểm như vậy, giáo điều như vậy, lý luận như vậy... và chúng tự tin rằng những điều chúng đã biết là tất cả bầu trời, là tất cả vũ trụ. Ai xâm phạm cái biết ấy là xâm phạm bầu trời của chúng, làm tổn hại đến niềm tin tín ngưỡng của chúng, đe doạ sự sinh tồn của chúng. Chúng phải bảo vệ những điều chúng đã biết, vì điều đã biết là tất cả những gì mà cuộc sống của chúng được đặt tên.
Đã ba mươi năm học Phật, tôi chưa từng có ý niệm mình là một Phật tử. Vì tôi không biết Phật, không hiểu hết về Phật... nên đâu dám lạm xưng mình là con Phật. Không gì bất hiếu hơn việc ngay cả con mà không biết cha mình là ai. Và cũng không gì bất hạnh hơn cho người cha, khi ngay cả đứa con của mình cũng không hiểu mình. Để tránh cho tôi và cũng để tránh cho Phật, tôi chỉ coi mình là người tìm kiếm. Tìm kiếm cái gì? Tìm kiếm điều chưa biết.
Thế nào là cái đã biết cần phải vượt qua? Vì khư khư nắm giữ cái đã biết tức là tự coi cái đã biết là tất cả thiên hà vũ trụ. Không gì kiêu căng ngạo mạn hơn là tự coi mình biết tất cả mọi thứ trên đời. Vượt qua cái đã biết là chính là bản chất của sự khiêm cung, không phải là dăm ba lời lẽ nhún nhường sáo rỗng và giả tạo. Vượt qua cái đã biết, nghĩa là không khư khư cho cái đã biết của mình là duy nhất đúng, nghĩa là sẵn sàng đối thoại với tất cả những chiều hướng đối lập, nghĩa là cái đã biết chỉ là một chặng đường rất nhỏ trong hành trình dài tít tắp, vô tận. Thấu hiểu rằng cái đúng của ngày hôm qua chưa chắc đã là cái đúng của ngày hôm nay, cũng như cái sai của ngày hôm nay chưa chắc là cái sai của ngày mai... Ta mở lòng đón nhận tất cả mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi hành động thuận hay nghịch với cái ta đã biết.
Thế nào là tìm kiếm điều chưa biết? Là sẵn sàng quăng mình vào những trường hợp đối lập, để suy tư, để trải nghiệm, để sáng tạo, để khám phá... Đúng và Sai chỉ là tương đối, chân trời nhận thức cần được mở rộng, lắng nghe mà không phán xét, quan sát mà không để tư kiến xen tạp. Nhìn, ngẫm và cho phép mình thử để sai, thử để tìm tòi cái đúng. Một người luôn luôn và sẵn sàng dung nạp điều chưa biết, kể cả điều đó có khác biệt, thậm chí đối lập với lý tưởng, ước mơ hoặc quan điểm mà mình có cảm tình... là người không bao giờ dừng lại ở bất kỳ chặng đường nào. Tất cả mọi chặng đường đều chỉ là "hoá thành", cái thấy của Phật Thích Ca hơn 2000 nghìn năm trước cũng rất có thể chỉ là một "hoá thành" thử nghiệm sự tìm kiếm trong ta mà thôi.
Phật không cần ta giết, nhưng giáo lý trong sách vở của Ngài cần phải thử nghiệm. Sự thật của quá khứ không có nghĩa là chân lý của hiện tại. Thời gian, không gian, hoàn cảnh, con người, môi trường đã thay đổi... thì giáo thuyết ấy cần phải vượt qua. Khư khư nắm giữ những gì trong kinh điển để lại, chưa chắc đã là một Phật tử ưu tú. Vì sao? Vì ai trong chúng ta dám cho rằng mình đã thấu hiểu được tri kiến Phật? Nếu không hiểu Phật, mà khư khư chấp thủ giáo lý, giáo luật... có trong sách vở tưởng như là của Phật thì cùng lắm cũng chỉ gọi là kẻ thủ thư xuất sắc, nếu không muốn nói là loài mọt vô tri.
Đồng hồ đã điểm bốn giờ sáng, tiếng chuông chùa ngân nhẹ giữa căn phòng tịch liêu. Tôi lặng lẽ pha trà, cho tiếng nhạc bổng trầm đưa tôi về với dòng sông của người lái đò Tất Đạt. Tôi vào vai người khách qua sông, lắng nghe Tất Đạt - người lái đò - nói với Thiện Hữu - anh chàng sa môn cần mẫn - giữa những âm ba của con nước thuỷ triều khi thăng khi giáng:
Kiến thức có thể truyền được nhưng trí tuệ thì không. Người ta có thể tìm thấy nó, sống trong nó, được thêm sức mạnh vì nó, làm nên những phép lạ nhờ nó, nhưng người ta không thể truyền dạy nó được. Tôi đặt nghi vấn về điều này từ hồi còn trẻ, và chính nghi vấn đó đã làm cho tôi xa lánh mọi thầy học. Có một ý tưởng tôi suy ra, Thiện Hữu, mà có lẽ bạn cũng lại cho là một trò đùa hay một sự điên rồ nữa: ấy là trong mọi sự thật, điều ngược lại cũng đúng không kém. Chẳng hạn, một sự thật chỉ có thể diễn tả và gói trọn trong danh từ nếu sự thật chỉ có một mặt. Mọi điều, nếu được suy tưởng và diễn tả thành danh từ thì đều là phiến diện, chỉ là nửa phần sự thật, nó thiếu hẳn tính cách toàn vẹn, tròn đầy, nhất thể. Khi đức Phật dạy về thế giới, Ngài phải phân chia thành Khổ đế và Niết Bàn, thành Vọng và Chân, thành khổ đau và giải thoát. Người ta không thể làm khác hơn, không có phương pháp nào khác cho những người giảng dạy. Nhưng thế giới tự nó, ở trong ta và xung quanh ta, thì lại không bao giờ phiến diện. Không bao giờ một người hay một sự việc lại thuần khổ hay thuần lạc, không bao giờ một người lại thuần là thánh thiện hay thuần tội lỗi; chỉ dường như thế bởi vì chúng ta bị mắc phải một ảo tưởng rằng thời gian là một cái gì có thực. Thời gian không thực có, Thiện Hữu. Tôi đã luôn luôn trực nhận điều này. Và nếu thời gian không thực có, thì đừng tưởng tượng ngăn chia cõi đời này với cõi vô cùng, ngăn chia thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ, tất cả cũng chỉ là một ảo tưởng …
Nước đang đi về 100 độ, làn khói mỏng bay cao như báo hiệu dòng nước đang chuyển hoá sang thể hơi. Tôi nhấc nhẹ ấm nước, pha vào bình trà nhỏ. Ngồi yên, nhắm mắt, ... Một ly trà nóng vào buổi sáng sớm đang chờ tôi, cũng có thể tôi đang chờ trà tan đều trong ấm trà nóng hổi...
(14/6/17)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!