Thư gửi hoa nhài (35)

Những ngày cuối thu, thành Vinh mưa những trận tầm tã, liên hồi như muốn trút tất cả nước từ trời cao để chuẩn bị đón một mùa đông khô hạn... Anh nằm đó, thả lỏng cảm xúc vào những dòng nước xiết, nước nhiều quá đến mức thoát không kịp, và thế là nó đọng thành vũng, thành dòng, thành ao, thành hồ, thành sông...



Hoa nhài thân yêu của anh!

Giờ này em đã ngủ chưa? Anh không hy vọng em thức vào giờ này đâu, vì em thức đã đủ lâu rồi. Sức khoẻ mỗi người tựa như dây đàn, căng quá sẽ đứt, trùng quá thành ra uể oải. Nhưng ai mà biết khi nào thì dây đàn đúng nhịp phải không em?

Anh đã ngủ rồi, nhưng mưa to quá nên lại phải thức. Mưa ngoài trời rầm rập, sấm sét xé ngang màn đêm tịch mịch, đủ gọi dậy những cảm xúc yếu mềm trốn tránh trong sự lặng lẽ giả tạo. Mưa ngoài trời hay mưa trong lòng, anh cũng không rõ nữa, anh không rõ trời cao và anh cũng không rõ cả chính mình...

Hoa nhài ơi?!

Ngày xưa anh đi học, thú vị nhất giữa đám bạn học chính là ngồi tranh luận xem con gà có trước hay quả trứng có trước. Cuộc tranh luận chẳng bao giờ đi đến hồi kết, và những lý luận đưa ra giữa bọn anh cũng trời ơi đất hỡi. Hôm thì tranh luận chuyện có hộ khẩu mới được mua nhà hay mua nhà rồi mới cấp hộ khẩu, hôm thì tranh luận có cơm ăn mới có sức khoẻ kiếm tiền hay phải kiếm tiền đã rồi mới có cơm ăn... Mỗi ngày một lý luận, mỗi người một ý kiến... Tất cả bạn bè anh đều biết cuộc tranh luận đó vô ích, nhưng thông qua những vô ích đó mà kích thích năng lực tư duy của bọn anh. Vậy là cuối cùng bọn anh đều hiểu: vô ích tạo ra những cái có ích, kiểu như vận động được hình thành từ những vật thể bất động vậy.

Ngày nay anh không còn đi học nữa, những câu chuyện triết học cùng những lý luận vòng vo tam quốc cũng dần dần được cất thật sâu trong ngăn tủ... Nhưng càng sống, càng tiếp xúc với thế thái nhân tình, anh mới nhận ra bây giờ mới thật sự là lúc anh được tiếp cận với chiều sâu nhất của tư tưởng. Và trong tất cả những dòng chảy tư tưởng miên viễn, bất diệt của nhân loại, chỉ có tình yêu là không có tuổi. Bố mẹ ta cũng nói về tình yêu, ông bà ta cũng nói về tình yêu, tổ tiên ta cũng nói về tình yêu. Tình yêu hàng nghìn năm trước và tình yêu hàng nghìn năm sau, có lẽ cũng như nhau cả, chỉ khác nhau là phương tiện tỏ bày mà thôi.

Em yêu thấy không?

Chỉ cách đây tầm mười mấy năm thôi, khi anh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nếu anh thích ai đó hoặc ai đó thích anh, cả hai chẳng bao giờ đủ can đảm mà đứng trước mặt nhau. Những tờ giấy nhỏ, xé vội vàng, dấu kín trong hộc bàn, không có ký tên, trên đó chỉ là những dòng chữ ngắn gọn, đại loại như: "cậu tên gì vậy? hôm nay cậu làm bài tập chưa?...". Tụi anh hồi đó chỉ nhận biết về nhau qua những dòng chữ nắn nót cẩn thận, như sợ tờ giấy bị đau, như sợ con chữ bị rơi rớt trên lộ trình tỏ bày cảm xúc cho nhau ấy...

Vậy mà sau mười mấy năm, giới trẻ bây giờ thích ai là nhắn tin làm quen, ad facebook kết bạn, thả tim tỏ tình... và chưa đầy tuần lễ chúng đã có thể thốt lên những câu nói "vợ vợ chồng chồng" ngọt sớt... và cũng chưa đầy tuần lễ sau đó, chúng đã lại vất vả cưỡi ngựa giăng câu "thả thính" một ai đó nhanh như tên bắn, nhanh như ngựa chạy...

Nói thì nói vậy, nhưng dù phương tiện tỏ bày có khác, thời gian có nhanh hơn... nhưng không vì thế mà cảm xúc của giới trẻ bây giờ khác biệt hơn so với anh chị hoặc cha mẹ của chúng. Ngày xưa viết thư tình giấc trong hộc bàn và hồi hộp chờ hồi âm như thế nào, thì anh tin, bọn trẻ bây giờ nhắn tin qua fb và cũng đầy hồi hộp chờ hồi âm như thế ấy. Nếu không được hồi đáp hoặc xuất hiện trạng thái "đã xem" mà không trả lời, bọn trẻ bây giờ cũng đau như ông bà chúng ngày xưa vậy.

Thời gian có thể khác nhau về số nhưng chất thì không. Phương tiện có thể thuận tiện hơn nhưng cảm xúc thì vẫn chỉ là một. Cho nên, em thấy không, nhiều khi anh gọi một khách sạn 5 sao là cái nhà tranh hay cái hang đá, xe Mercidez hay con tuấn mã hay xe "căng hải"... cũng chỉ là sự khác nhau về hình thức mà thôi.

Em yêu ơi!

Đáng lý ra, vào giờ này của mười mấy năm về trước, anh đang ngồi cặm cụi, chấm chấm bơm bơm cây bút máy, nắn nót viết những dòng chữ nhỏ nhắn, cho vào phong thư, dán con tem nhỏ gửi về cho em qua bưu điện, để mỗi chiều chiều lại ra cửa đứng hóng bác đưa thư xem có hồi âm gì hay không... Thì giờ này, anh chỉ cần mở máy, gõ gõ cóc cóc, post lên trang Web và nhắn cho em dòng chữ nhỏ: "em yêu ơi, có thư kìa"... Phương tiện có vẻ hiện đại hơn đấy, nhưng em yên tâm nha, tình cảm trong anh đã có tuổi thọ biết bao đời bao kiếp nay, của bất cứ kẻ đang yêu nào, đã từng có.

Cho nên, anh cũng tin ra, dù nhận thư trong tình huống nào, chuyện của chúng ta đang trải qua, cũng là cảm xúc của hàng nghìn năm đã từng hiện hữu. Như hạt mưa đêm nay, như anh bây giờ, như dòng chữ đang dần xuất hiện trên màn hình, như áng mây đen, như cơn sấm giật... tất cả, tất cả... đều là của những ngày ta mới quen nhau, gặp gỡ... chưa từng có bất cứ ý niệm nào khác biệt, sai khác. Có thể Heraclit không thể tắm hai lần trên dòng sông, nhưng dẫu thế, nước đầu nguồn hay cuối nguồn cũng chỉ là nước với những đặc tính cố hữu của nó. Nếu nó không còn là nó, hoặc bay hơi, hoặc đông đặc lại, thì người ta đã gọi nó bằng một tên khác mất rồi.

Hoa nhài của anh!

Dạo này em thở dài nhiều quá, và anh để ý rằng, dường như em quên mất việc đi kèm với việc thở dài thì ta phải hít thật sâu. Muốn thở một hơi thật dài, trút bỏ tất cả những uế tạp của cơ thể thì trước đó ta phải hít thật sâu, cho đầy buồng phổi. Thở ra mà quên hít vào, hoặc thở ra nhiều hơn thứ ta hít vào, thường khiến cơ thể ta rơi vào trạng thái chênh vênh, trống rỗng... Không biết em nghĩ thế nào, chứ riêng anh, đôi lúc chúng ta cũng cần chút chênh vênh để lấy lại sự cân bằng, như một diễn viên xiếc đi trên sợi dây vậy. Em có biết tại sao họ không ngã không? Vì họ chênh vênh nhưng họ biết sự chênh vênh đó chỉ là tạm thời, để tạo ra sự cân bằng cho cơ thể. Chênh vênh chỉ là phương tiện đưa tới sự cân bằng, anh gọi đó là sự chênh vênh có tỉnh thức. Cái anh lo ngại nhất, chính là, mình chênh vênh mà lại không biết mình đang chênh vênh.

Tương tự như chênh vênh, sự trầm lặng, hoặc im lặng, hoặc bất động, hoặc chán nản, hoặc muộn phiền... bất cứ một trạng thái nào, một khi được người đời định danh bằng một tên gọi, thì chúng đều cần thiết cho cơ thể và sự sống của chúng ta hết. Nếu chúng không cần thiết, thì hoặc là chúng không tồn tại, hoặc là người ta đã triệt tiêu nó bằng một tia Alpha nào đó rồi. Ngay cả cái mà chúng ta gọi là trạng thái tiêu cực như nỗi buồn cũng vậy, nó rất cần thiết để tạo ra sự cân bằng cho cảm xúc, tình cảm và cả nhân cách của chúng ta. Khiêm tốn là gì nếu không phải là chúng được hình thành từ nhiều lần thất bại? Trưởng thành là gì nếu không phải được xây dựng từ những lần vấp ngã?!...


Vậy đâu là điều anh lo ngại nhất? Anh vốn không lo ngại những cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong mối quan hệ của chúng ta nói chung hoặc trong tâm trạng của anh hoặc em nói riêng. Vì dù có được gọi là cảm xúc tiêu cực, thì chúng cũng có tác dụng nhằm duy trì mối quan hệ của hai người hoặc của anh của em được cân bằng, bình ổn, không đẩy bất cứ một mặt nào đó trở nên thái quá. Nói như các nhà y học là gì, nghĩa là sức khoẻ được hình thành từ bệnh tật, niềm vui được ra đời trong nỗi buồn. Không có gì mà không có mặt trái của nó.

Vậy đâu là điều anh lo ngại nhất? Điều anh lo ngại nhất chính là sự thiếu tỉnh thức với cái đang là, với cái đang xảy ra như chính nó là. Nếu em chênh vênh, hãy chênh vênh trong sự tỉnh thức, chẳng hạn như là tôi đang chênh vênh và tôi biết tôi đang chênh vênh. Đừng tự ảo tưởng hay phủ dụ chính bản thân mình rằng: tôi bình thường, nhưng kỳ thật tôi đang không bình thường tí nào. Sự giấu diếm cảm xúc, trốn tránh chính mình... chính là điều anh lo ngại nhất, vì thường nó hay đẩy trạng thái đó đi xa hơn điều đáng phải xảy ra.  Nếu tôi đang buồn, hãy dõng dạc tuyên bố rằng, tôi đang buồn. Buồn cũng có nét đẹp riêng của nó. Buồn mà phải tự an ủi mình bằng nụ cười gượng gạo, hoặc tự an ủi bản thân mình rằng tôi không buồn... không những nỗi buồn không được tận hưởng một cách trọn vẹn, mà khi niềm vui đích thực gõ cửa, ta cũng vô tình để lạc mất.

Em yêu ơi...

Anh muốn viết cho em nhiều lắm... nhưng mưa đã dần tạnh rồi... Vả lại, ngôn ngữ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều bất toàn như chính sự tồn tại của bảng chữ cái vậy. Anh luôn tin em hiểu sâu hơn những gì đang hiện hữu trên màn hình, và cũng bởi tình yêu anh dành cho em đã có tuổi thọ từ khi loài Homosapien xuất hiện.

Cho nên, nói về tình yêu của anh và em, thật ra nó đơn giản là những giọt nước đọng lại trên mái tí tách xuống bậc thềm. Âm thanh tí tách đó là gì nếu không nhằm khắc sâu sự tịch lặng và cô liêu của màn đêm vắng. Sự tĩnh lặng của màn đêm là gì nếu không nhờ những giọt nước thong thả tí tách xuống thềm thức giấc... Cho nên, em yêu à, âm thanh và tĩnh lặng, chúng tồn tại là cho nhau, chúng có mặt là để bổ khuyết cho nhau vậy...

(8/10/17)


Thư gửi hoa nhài
 
(1) - (2) - (3) - (4) - (5) - (6) - (7) - (8) - (9) - (10) - (11) - (12)
(13) - (14) - (15) - (16) - (17) - (18) - (19) - (20) - (21) - (22
(23) - (24) - (25) - (26) - (27) - (28) - (29) - (30) - (31) - (32) - (33) - (34)


CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất