Sống để làm gì?

Đêm đang dần về sáng, tiếng ếch nhái dưới hồ nước như nhắc nhở nhân sinh về sự sống vẫn còn đó, hiện hữu ngay cả khi đêm về.

Trong cái tịch lặng cô liêu của ngôi cổ tự, tôi bách bộ cùng chú Cún nhỏ. Em ấy thật hồn nhiên, cứ nhảy nhót bên tôi, đi qua đi lại, đi tới đi lui. Em Cún nhỏ ấy không biết tôi đi đâu, em đi chỉ là đi mà thôi.


Thật sự, đời người cũng đâu cần có cái đích nào để đến đâu. Đi chỉ là đi mà thôi.

Rất nhiều lần tôi tự hỏi bản thân: sống để làm gì? nhưng cứ mỗi lần hỏi là mỗi lần câu trả lời đưa tôi vào ngõ cụt. Chẳng có cái đích nào đáng để và khiến cho tôi phải lao tâm khổ tứ cả. Và vì thế, câu hỏi đưa tôi đi, mà tôi vẫn đi khi chưa có cả câu trả lời.

Rất nhiều lần tôi tự hỏi tuổi trẻ của tôi rằng: trưởng thành là gì? nhưng năm tháng trôi qua, tôi chẳng thấy những mơ mộng tuổi trẻ của tôi đáng để gọi là trưởng thành cả. Những thành tựu bằng cấp, tri thức, học vấn, lời khen tặng, địa vị xã hội... với tôi càng lúc càng trở thành áng mây, cơn gió phe phẩy một cách vô nghĩa. Nhưng rồi, đi qua những sai lầm để đứng lên, những mất mát để giữ cho mình sự bình tĩnh an yên... tôi lại cảm nhận thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.

Thật sự, đời người cũng đâu cần có quá nhiều tham vọng. Sống chỉ là để sống mà thôi.

Khi người ta học về vô thường là chuyện của lý trí, nhưng để vô thường thấm vào con tim, người ta cần phải rơi lệ. Những giọt lệ là hành trang không thể thiếu trên bước đường trưởng thành của mỗi cá nhân. Giọt lệ nhắc chúng ta về khoảng cách giữa cái biết và cái hiểu, giữa cái thấy và cái thật sự xảy ra, giữa cái đời thường và cái tinh túy mà đời thường trao tặng. Không biết có ai đó sợ nước mắt không, chứ riêng tôi, nước mắt có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó nhắc tôi không phải là người máy được lập trình, hay là thành tựu của trí tuệ nhân tạo. Nó nhắc tôi cái đã qua và cái sắp tới, con đường nên đi và con đường nên tránh...  Tôi mang ơn nước mắt rất nhiều.

Khi người ta để tri thức chi phối quá nhiều đời sống, thì đời sống cũng trở nên một cái gì đó vô cùng nhàm chán vô vị. Trước ánh hoàng hôn buồn man mác hay ánh bình minh rực rỡ hy vọng, ai lại xổ toẹt câu nói: cũng chỉ là một ngôi sao cháy đỏ mà thôi. Không, tri thức chỉ nên dùng để ta không nô lệ cho cái bất thường đổ xuống cuộc đời chúng ta, còn đâu đó vẫn nên dành cho nó chút xúc cảm phiêu bồng: hoàng hôn thì buồn man mác khiến ta nhớ về những phút của chia ly, hay những gì là đoạn kết của hành trình... và thì là mà... ánh bình minh kia lại tỏa sáng, lại hứa hẹn một ngày mới bắt đầu, với biết bao điều kỳ thú đang chờ đợi ta phía trước. Tri thức và cảm xúc nên cùng nắm tay nhau song hành... để tôi thấy ngày mai còn chờ đợi bàn chân tôi bước.

Thật sự, tình yêu cũng không hoàn toàn là tất cả lý do để sống. Tình yêu nên để là tình yêu mà thôi.

Nếu có ai đó hỏi tôi ngay lúc này: sống để làm gì? Tôi chẳng ngần ngại mà trả lời: sống là để yêu. Ngoài tình yêu, mọi thứ khác đều chỉ là bước đệm. Nhưng yêu là gì và yêu cái gì? Có người yêu tiền, có người yêu quyền, có người yêu danh, có người yêu tiếng khen, có người yêu sắc đẹp, có người yêu một cô gái, có người yêu một chàng trai... Đối tượng yêu thì vô cùng. Nhưng hầu hết, khi ta yêu một đối tượng nào đó, ta thường vẽ cho nó một tương lai. Tiền thì phải nhiều tiền hơn, danh thì phải vang xa hơn, quyền thì phải ngày càng mạnh mẽ hơn... Nếu nó không có tương lai, mọi đối tượng để yêu đều vô nghĩa. Suy ra, yêu thì vẫn cứ yêu đấy, nhưng tương lai của đối tượng được yêu còn quan trọng hơn.

Đấy mới là một mặt của tình yêu, còn mặt khác của tình yêu là gì nữa? Hãy nghĩ xem, tiền nhiều cũng đâu có theo ta mãi được, quyền nhiều cũng chỉ có ý nghĩa khi ta còn sống... Còn lúc ta nhắm mắt xuôi tay rồi, những đối tượng mà ta yêu đó rồi cũng phải bỏ lại mà thôi.Vậy phải làm sao để khi ta đi như hai tay trắng ấy mà tình yêu vẫn còn có ý nghĩa? Ấy là ta đừng quá lệ thuộc hay bám víu vào đối tượng được yêu một cách thái quá. Tiền cũng tốt, nhưng không tiền cũng không sao. Danh cũng tốt mà vô danh cũng không sao... Đấy. Yêu chỉ nên là yêu mà thôi. Lý trí một chút xem, bạn có thể bên ai đó suốt đời được không? Câu trả lời là không thể. Cha mẹ thương con thế mà cũng chẳng thể bảo bọc con cái mãi, vợ chồng yêu nhau thế nhưng cũng chẳng thể sống chết thay cho nhau được. Sinh ly tử biệt là tất yếu. Điều duy nhất còn lại chỉ là một mình ta đối mặt với cái bóng của chính mình, với nghiệp của mình, với nhân quả của riêng mình. 

Thật sự, cái gì cũng là vấn đề và cái gì cũng không là vấn đề. Chỉ cần cho nó chút thời gian.

Bất cứ cái gì có bắt đầu đều phải có kết thúc. Cuộc chơi nào cũng có lúc tàn, sự gặp gỡ nào cũng có lúc chia ly. Nếu không muốn kết thúc thì đừng có bắt đầu, nếu không muốn chia ly thì đừng có gặp gỡ. Đó là quy luật. Tất nhiên ai cũng biết quy luật ấy, nhưng vì đã lỡ đi vào vòng xoáy của bắt đầu rồi thì người có trí tuệ nên an yên mà quan sát sự kết thúc. An yên khi đón nhận đoạn cuối của hành trình, nghĩa là ta muốn nói sự bắt đầu đó rất đẹp. Còn khi ta không đủ can đảm để đón nhận cái kết, nghĩa là ta muốn nói với chính ta rằng, ngay cả sự bắt đầu cũng đã là sai. Thế thì thật tiếc cho hành trình đã đi qua quá.

Nhìn lại sự trưởng thành mà ta đã từng đi, cái mà ta gọi là trưởng thành, chính là thái độ đối mặt với sự mất mát. Tôi mất mẹ khi mới có 7,8 tuổi. Cái tuổi chưa đủ trưởng thành nhưng đủ hiểu khoảnh khắc ấy tôi đã là đứa trẻ mồ côi. Đau lòng lắm, khó chấp nhận sự thật phũ phàng ấy lắm, nhưng rồi năm tháng cũng nguôi ngoai, tôi dần quên đi hình ảnh người mẹ hiền năm nào. Thế rồi bố tôi cũng mất, nhưng tôi đã hiểu rằng, sự mất mát này chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Từ đó tôi bình tĩnh và nhẹ nhàng hơn. Nỗi đau nào, khi mới xảy ra, cũng như vết thương ấy, rất xót, rất đau... Nhưng rồi thời gian sẽ chữa lành tất cả. Một lớp da mới được hình thành, che đi vết thương ấy. Đấy là cái giá của trưởng thành, đấy là thử thách cuộc sống... mà theo năm tháng, ai cũng phải đối mặt, ai cũng phải trải qua.
.........


Tôi không có quá nhiều mục đích để sống, nói đúng hơn là chẳng có mục đích nào đáng để tôi sống cả. Nhưng tôi dặn lòng mình rằng phải sống và sống cho thật vui vẻ. Đền cái ân mang nặng đẻ đau của mẹ tôi cũng chỉ một phần thôi, nhưng phần còn lại là tôi chẳng tìm thấy ý nghĩa gì của cái chết cả.

Chết thì quá đơn giản, nhưng xét cho cùng nó cũng chỉ là một hành trình khác, một con đường khác. Như ngày mai tôi chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra, thì cái chết cũng tương tự thế, có khác gì ngày mai đâu. Sao phải chết?? Biết cuộc sống này là vô nghĩa, nhưng kỳ thật, cái chết cũng vô nghĩa đâu kém gì.

Có người bảo chết là hết? Chẳng hết nổi đâu. Như hoàng hôn là tắt nắng đấy, nhưng ai mà biết ngày mai cũng lại là ánh mặt trời cũ kỹ đó mọc lên từ hướng ngược lại. Có cái gì là mất hẳn, có cái gì là hết? Thế cho nên, trốn đời bằng cái chết cũng vô nghĩa như sống lay lắt qua ngày vậy. Suy nghĩ thế, nên tôi sống hết mình, trọn vẹn cho từng khoảnh khắc. 

Để làm gì?
Không để làm gì cả
Mọi mục đích đều vô thường, mong manh và bất định
Hãy đặt cho nó một cái tên, được không?
Được! Tên của nó là CHƠI
(19/04/19)


CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất