Khi nghe nhà nước ra con số thống kê Đạo Phật chỉ là tôn giáo có số tín đồ đứng thứ hai sau Thiên Chúa giáo tại Việt Nam, rất nhiều nhà lãnh đạo của Phật giáo và kể cả các nhà lãnh đạo của chính quyền cũng đứng ra đề nghị xem xét lại. Bởi con số trên, sự thống kê trên chưa phản ánh đúng sự thật, đúng tâm lý, đúng thái độ... mà con số đó biểu thị đối với đạo Phật tại Việt Nam.
Riêng tôi, có chút buồn cười khi nhìn vào con số do nhà nước đưa ra. Và nếu thực tế nhìn vào các lễ hội đình chùa miếu mạo lại càng... cười to hơn nữa.
Đầu xuân năm mới, xin trích lại nơi đây trang đầu của Tạp chí Tư tưởng, được ấn hành vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20, nghĩa là nó có tuổi đời xấp xỉ cổ lai hi.
"Trước hết, chúng tôi xin vào đề ngay rằng Đạo Phật không phải là một tôn giáo, dù nghĩa tôn giáo hiều theo truyền thống Tây phương hay Đông phương. Nói đến tôn giáo là nói đến tín ngưỡng, giáo hội, giáo quyền, thần quyền, thần khải... Đạo Phật gồm đủ những điều vừa kể, nhưng điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta cần phải lưu tâm: những điều vừa kể không làm đạo Phật trở thành đạo Phật, mà chỉ là những hình thức tất yếu xuất phát từ sự thoái hóa tinh thần của những người tự nhận là theo Đạo Phật. Đạo Phật không phải là tôn giáo mà cũng không phải là triết lý hay triết học. Tư tưởng triết lý của đạo Phật chỉ là hậu quả tất yếu của sự sinh thành biện chứng trong sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Phật"
Và Hòa thượng Thích Minh Châu cũng phản ánh một thực trạng khác, sự tiếp cận của đạo Phật dưới góc độ thuần tri thức:
"Sự ngộ nhận này xuất phát tử một thái độ sai lầm của người muốn tìm hiểu đạo Phật, dù người muốn tìm hiểu ấy có thiện chí hay thiếu thiện chí, dù đứng bên trong truyền thống Phật giáo hay đứng bên ngoài. Sự ngộ nhận ấy xuất phát từ một sự ngộ nhận thái độ. Thái độ của người tìm hiểu đã sai lầm ngay nền tảng, vì thế đạo Phật chỉ là một đề tài cho sự hiếy kỳ tri thức và hình thức của đạo Phật lại trở thành quan trọng hơn tinh thần sống động của đạo Phật: người ta chỉ tìm hiểu đạo Phật để so sánh, để thỏa mãn óc hiếu kỳ, để khai triển tri thức, để ca tụng hoặc chống đối, để nhận là của mình hay không phải của mình; người ta không nhìn đạo Phật như là đạo Phật, mà lại nhìn đạo Phật như là tôn giáo vô thần hoặc hữu thần, như là triết lý duy thực hoặc duy tâm, như là tín ngưỡng hoặc tín điều"
Từ đó tác giả đề nghị chúng ta nhìn đạo Phật NHƯ LÀ đạo Phật, nghĩa là thấy và thấy đúng. "Thấy và thấy đúng, đó là con đường của tất cả mọi con đường".
Với lời mở đề dài dòng những trích dẫn như trên, chúng ta thử một lần "thấy" và sẵn sàng thái độ đối mặt với "thấy đúng" để xem những hình thức hiện nay đã thực sự là đạo Phật chưa? và bạn có đang là đệ tử theo chân đức Phật chưa?
Trước hết, đạo Phật ra đời là từ sự kiện nào? Hẳn phải là thời điểm Đức Phật đi tìm đạo. Có nghi vấn về sinh tử của cuộc sống nên Ngài mới sẵn lòng từ bỏ mọi vinh hoa phú quý để đưa cuộc đời Ngài vào con đường của NGƯỜI TÌM KIẾM. Dĩ nhiên, đó không phải là tìm kiếm sức khỏe, công danh hay phú quý lợi lộc, mà là tìm kiếm câu trả lời như thật về sinh lão bệnh tử của kiếp người. Tương tự thế, nếu bạn muốn đến với đạo Phật NHƯ LÀ đạo Phật, thì điều đầu tiên mà bạn cần phải có là sự hoài nghi về hiện thực mà bạn đang đối mặt, có hoài nghi mới sẵn lòng lên đường trở thành NGƯỜI TÌM KIẾM. Như vậy, buổi lễ Quy Y Tam bảo không phải là buổi lễ để bạn coi như là được sự bảo hộ của Tam bảo, để bạn không còn khổ đau hay những tai ương bất ngờ may rủi, mà buổi lễ đó đánh dấu bạn trở thành NGƯỜI TÌM KIẾM - con người thao thức với những sinh tử của thân phận người, con người sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để tìm câu trả lời cuối cùng, câu trả lời chân thật.
Thứ nữa, khi đức Phật thành đạo và chia sẻ cái thấy đó cho các môn đệ, Đức Phật Thích Ca không tự coi mình là vị thầy toàn năng, toàn trí... Ngược lại, Ngài chỉ coi mình là một người thầy, một người đi trước và chia sẻ kinh nghiệm tu học của mình cho các môn đệ. Cũng vậy, việc tự nguyện trở thành môn đệ của Đức Phật, nghĩa là chúng ta đến với đức Phật như là người thầy, và học hỏi kinh nghiệm đi trước của người thầy ấy. Bất kỳ sự phóng đại nào về đức Phật, bất kỳ sự tin tưởng ủy thác toàn bộ hy vọng, ước mơ và tương lai của chúng ta vào trong tay đức Phật hoặc cho rằng Đức Phật của chúng ta có toàn quyền ban phước giáng họa thông qua hoạt động đọc tụng kinh điển, lễ bái cầu xin... đều không phải là đến với con đường mà Đức Phật đã đi. Và do vậy, dù bạn có tự xưng mình là đệ tử Phật, là tín đồ của đạo Phật thì bạn vẫn đang đứng ngoài ngôi nhà mang tên là Phật giáo.
Là NGƯỜI TÌM KIẾM nghĩa là như thế nào? nghĩa là phải có sự hoài nghi thao thức về cuộc đời, phải chưa minh định một câu trả lời có sẵn. Nếu bạn đã có câu trả lời thì bạn không cần tìm kiếm, nếu bạn không hoài nghi về cuộc đời của chính bạn thì bạn cũng không cần tìm kiếm. Là người tìm kiếm, nghĩa là trong đầu ta chỉ lảng vảng những câu hỏi, khát khao tìm ra sự thật, thấy được sự thật. Khoảng cách giữa việc đọc tụng lời dạy của đức Phật, thuộc lòng câu trả lời của người khác... với việc chính ta TRỰC TIẾP THẤY ĐƯỢC SỰ THẬT là khoảng cách vô cùng lớn. Do vậy, việc nghiền ngẫm suy tư và tự mình thực hành qua đời sống những gì đã được truyền dạy, đã được khám phá quan trọng hơn nhiều việc gom góp tích trữ tri thức để có được mảnh bằng tốt nghiệp hay dùng tri thức đó để khoe mẽ, so sánh hơn thua....
Là môn đệ của ĐỨC PHẬT nghĩa là như thế nào? nghĩa là bạn không nên bị bất kỳ cái bóng uy quyền, truyền thống, số đông... nào vây hãm bạn. Bạn phải thực sự tự do với chính bạn, với sự tìm kiếm của bạn, với sự lựa chọn của riêng bạn và đương nhiên chính bạn là người chịu trách nhiệm hoàn toàn với sự lựa chọn ấy. Tôi tin chắc rằng, đức Phật sẽ rất hạnh phúc nếu nhìn thấy môn đệ của Ngài tự do sừng sững đi con đường của riêng họ, như Ngài đã từng đi, chứ không phải là những người coi Ngài như chúa tể toàn năng và bám víu vào Ngài như vật ký sinh sống bám vào danh tiếng mà người đời đã ca tụng. Ngài đã buông bỏ cả một truyền thống đến 5000 năm tồn tại trước đó, thì chắc có lẽ đâu đó Ngài cũng đang cổ vũ chúng ta làm điều tương tự.
Đấy là hai bước đầu tiên, cơ bản và nền tảng, tôi gọi là người đệ tử Phật. Có được cái nền tảng ấy, bạn mới chính thức bước chân vào lộ trình mà Đức Phật đã từng bước. Còn vì những động cơ khác, tôi gọi chúng chỉ là cành lá, là thứ yếu, là phương tiện, là hình thức đãi bôi... Mà nếu bám víu không cẩn thận, chính chúng ta, những người yêu quý đức Phật, lại đang phản bội lại chính Đức Phật, lại đang làm mù mờ thêm con đường mà Đức Phật đã phát cỏ, khai quang. Như mới đây thôi, đâu đó tôi nghe những thông tin như Quy Y Tam bảo phải đóng tiền, làm lễ Cầu an - Cầu siêu có giả cả niêm yết, và muốn lễ Phật phải đóng phí tham quan... thì có lẽ Đức Phật cũng phải lạy Thánh Phạm Thiên mà than thở rằng: "Ta có dạy các ngươi thế ư??", "Đạo Tỉnh thức của ta sau hai nghìn năm lại mang hình hài Ngu muội đến như vậy ư???"
Thôi, càng viết càng đau lòng, càng nhìn càng xót xa, và cứ để cái con số mà nhà nước công bố về những người theo đạo Phật ấy trở thành một con số mà ngẫm, mà suy, mà định lượng. Có khi chính con số 4 triệu rưỡi người ấy chẳng ai là môn đệ của đức Phật cả, mà chính cái con số KHÔNG theo tôn giáo nào mới thực là đệ tử Đức Phật thì sao???!!!
(11/2/2020)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!