Như Lai Thế Tôn là ai?


Thành Vinh những ngày nắng nóng trên dưới 40 độ, gió nam Lào bắt đầu những cơn phe phẩy nhẹ, đủ khiến cái không khí đã oi càng thêm rát. Tôi trốn trong điều hòa như trốn giặc, và thỉnh thoảng lượn lờ mở hé cửa, thò cái đầu ra hít khí trời và ngắm sang công trường đối diện...


Những người công nhân ấy vẫn đang miệt mài...

Họ đứng trên đỉnh mái chùa cao gần 30 mét, đầu chạm ánh mặt trời, chân đứng trên bê tông, người thì tô vữa, người thì dán ngói, người thì đắp hoa văn, người thì sơn trát... Cuộc sống mưu sinh với bộn bề cơm áo gạo tiền, khiến cho họ phải đánh đổi những giọt mồ hôi để có được cuộc sống qua ngày.

Tôi nhận thấy rằng bất kỳ một công trình hay một kỳ quan nào, đều phải đánh đổi bằng giọt mồ hôi, thậm chí là cả máu và nước mắt của những người lao động chân tay. Để rồi nhiều năm sau đó, người ta chỉ nhớ đến công trình ấy là do ai đã thiết kế, ai đã kiến tạo, ai đã phát tâm tu bổ... nhưng tuyệt nhiên không hề có tên tuổi của những người công nhân vô danh. 

Những người công nhân ấy vẫn đang miệt mài...

Như Lai từng nói với các học trò rằng, đừng tìm Như Lai qua 32 tướng tốt hay 80 vẻ đẹp, cũng đừng tìm Như Lai qua hình sắc và âm thanh. Bởi Như Lai ngoài Pháp thân thường hằng bất sinh bất diệt, cái báo thân trụ thế 80 năm đã tan rã ra rồi thì Như Lai còn ứng hiện bằng vô số hóa thân, có khi Ngài là một ai đó rất tên tuổi, xuất hiện đúng thời kỳ tao loạn; cũng có khi Ngài hóa thân thành một ai đó vô danh tiểu tốt nhưng đem lại rất nhiều thiện ích cho đời, như những người công nhân kia chẳng hạn.

Công nhân, hay bất kỳ người lao động chân tay nào khác... có thể do nghiệp lực nhiều đời, do hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan, nên cuộc sống hôm nay chưa được đủ đầy như bao người khác, chưa được sung túc như người khác, đành phải đánh đổi sức lực mồ hôi để mưu sinh. Mà đôi khi những giọt mồ hôi ấy lại quá rẻ, so với một số ai đó, chỉ cần thêm một dấu chấm hay dấu phẩy, một chữ ký nháy, hay đơn giản chỉ là cái gật đầu ý nhị cũng đủ bằng người lao động chân tay vất vả cả đời. Cuộc sống có quá bất công không?!

Những người công nhân ấy vẫn đang miệt mài...

Sự miệt mài của họ, đơn giản chỉ kiếm tiền để tồn tại, nhưng tôi nhận thấy rằng, sau một ngày dài mệt nhoài ấy, đêm nào họ ngủ cũng ngon hết. Thỉnh thoảng có những hôm mất ngủ, tôi hay lượn vài vòng, và đôi khi lại thèm được ngủ một giấc ngon lành như họ. Sự vất vả thể xác ấy, được trao tặng lại bằng một đời sống tinh thần đơn giản, không có quá nhiều ưu tư hay lo lắng, miễn sao có đủ cái ăn và chút ít dư dả nuôi gia đình. Cuộc sống đơn giản là thế, bình yên là thế...

So với khối người ngồi mát ăn bát vàng, chẳng quá nhiều vất vả, đi làm có xe đưa đón, ngồi làm việc trong phòng lạnh, đôi khi lãnh lương mà cũng chẳng cần phải làm gì, chỉ cần có mặt và ngồi ngủ gật cũng được... Ấy thế mà để có được chỗ ngồi ấy, thì cái đầu của họ chắc gì đã được bình yên, tâm họ chắc gì đã được thảnh thơi. Hẳn chỗ ngồi càng cao, và nhất là cái chỗ ngồi ấy là chỗ ngồi duy nhất của cả thiên hạ thì còn mệt mỏi hơn nữa. Bởi vì nó là duy nhất, nên ai cũng muốn giành, ai cũng là kẻ thù của mình, ai cũng muốn cướp cái ghế của mình, cho nên phải toan tính, phải mưu mô, phải thủ đoạn, phải phòng trước phòng sau, tiên hạ thủ vi cường... Và vì toan tính nhiều quá nên tâm nào có được ngơi nghỉ, ngày chưa tính hết thì đêm tính, đêm chưa thấy an lòng thì ngày lại tiếp toan tính... Đấy là chưa kể, vì có một cơ số người sống sung sướng vật chất đủ đầy quá, ít lao động chân tay, nên chân tay trở nên thừa thãi ít vận động, thành ra teo cơ, còn ngồi nhiều quá nên cái bụng bắt đầu trương lên... Thật là dị hình dị dạng...

Những người công nhân ấy vẫn đang miệt mài...

Chắc chắn không người bố người mẹ nào dạy con rằng: sau này bố mẹ chỉ cần con là người công nhân chăm chỉ. Không, không ai muốn cả. Nếu bạn đi hỏi những người công nhân kia, chắc hẳn họ cũng muốn làm đốc công, làm giám đốc, làm kỹ sư... chứ không ai muốn làm công nhân cả. Ai cũng cố gắng để được thăng chức, để được tăng lương, để được nhàn hạ, để được chỉ đạo người khác. Chỉ vì hoàn cảnh đẩy đưa và năng lực chủ quan đến đó thì phải chịu ở cương vị đó. Đó là cái lẽ tự nhiên của đời người. Người nào nhận chân ra cái lẽ tự nhiên ấy, sống thuận với cái năng lực hiện có đó, thì cuộc sống sẽ bình an hơn. Người nào không có năng lực ấy, không có phẩm chất ấy mà đòi cái ghế cao hơn, lãnh lương nhiều hơn, sống sung sướng hơn... thì người ấy tự làm khổ mình. Bởi nó phi nhân quả. Mà cái gì không thuận theo nhân quả thì ắt không bền, trước sau gì rồi cũng trở về đúng cái chỗ mà năng lực tự thân của mình cho phép.

Xã hội, bản thân nó như một bức tranh đủ đầy màu sắc, có gam màu ấm áp, êm dịu, nhưng cũng có gam màu nóng chảy đến bỏng rát, và cũng có cả những gam màu u ám tối đen... Tất cả màu sắc ấy tạo ra bức tranh đa dạng, sinh động mà xã hội loài người này có được. Dĩ nhiên, leo được lên cao là tốt, lên đến đỉnh càng tốt... nhưng như một đường đua dài, phải có người đi đầu thì đồng thời cũng có người đi cuối, dù chênh nhau 1% của giây thì cũng phải có thứ hạng cao thấp. Xã hội có sự phân công lao động, có thấp có cao, có hơn có kém... chỉ để cho bức tranh ấy được tổng hợp một cách hài hòa, đa dạng. Khó có thể nói màu sắc nào ưu tú hơn màu sắc nào, sáng hơn hay tối hơn không đồng nghĩa với hạnh phúc hơn hay bất hạnh hơn. Biết bao người ngồi trên đống tiền, ăn sơn hào hải vị, ở biệt thự đi xe hơi... nhưng thỉnh thoảng vẫn tiếc nuối về những ngày xưa hay lâu lâu nhìn sang nhà hàng xóm leo lét bên ngọn đèn dầu mà bữa cơm của họ lúc nào cũng ấm cúng, căn nhà luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ mà thèm thuồng.... Và cũng biết bao người, ngồi bán nải chuối xanh bên vệ đường, nhìn những cô chân dài son phấn nồng nặc, xe đưa xe đón, tiêu tiền không phải nghĩ... mà lại ước gì mình được là họ. Có đổi cho nhau được không? Đổi rồi thì họ cũng vẫn tiếc nuối như thường, bởi họ có khi nào hài lòng với điều mình đang có.

Những người công nhân ấy vẫn đang miệt mài...

Vật chất thì có sung sướng và khổ cực, và tinh thần thì có hạnh phúc và bất hạnh. Vật chất được đo bằng số lượng nhiều hay ít còn tinh thần thì được đo bằng sự an yên của tâm hồn. Tiền nhiều có thể làm cuộc sống của bạn sung sướng nhưng chưa chắc làm cho bạn hạnh phúc, cũng như ít tiền có thể khiến bạn khổ cực mưu sinh nhưng rất có thể khiến tâm tư bạn thoải mái. Lấy vật chất để làm thước đo cho hạnh phúc là một sự nhầm lẫn lớn, mặc dù vật chất và tinh thần đều có sự tác động qua lại lẫn nhau.

Vật chất được đo bằng số lượng, mà số lượng thì luôn có sự tăng thêm hoặc giảm đi chứ không khi nào nó đứng im một chỗ cả. Tiền để trong két không tiêu cũng tự mất giá trị, mà ít khi nào ta thấy như thế là đã đủ cả. Phải luôn luôn thêm, phải muốn nhiều hơn nữa, và vật chất trở thành thứ mà tôi tạm gọi là "bao nhiêu cũng thấy thiếu". Chưa có thì muốn có, có rồi lại muốn thêm, thêm rồi phải thêm nữa... Cứ như vậy mãi, cho nên người giàu nào cũng nghèo cả, người càng giàu thì lại càng nghèo.

Tinh thần được đo bằng sự an yên của tâm hồn, mà chìa khóa của sự an yên là hài lòng với những gì mình đang có. Có bao nhiêu cũng cảm thấy như thế là đủ, mà đôi khi còn là hơi dư. Cho nên, người có tâm hồn an yên thì luôn luôn cho đi, không có gì cả cũng cứ cho, như thiền sư kia thấy kẻ trộm vào phòng, ông cho hết những gì ông có, và ước gì cho luôn cả cái ánh trăng đang vằng vặc chiếu sáng trên trời cao cho kẻ trộm ấy. Tiếc rằng kẻ trộm cần tiền, chứ có cần đến ánh trăng mà thiền sư muốn tặng đâu... Cho nên, người có cuộc sống an yên là người luôn giàu có, luôn đầy tràn năng lượng, luôn muốn giúp đỡ người khác, luôn muốn trao tặng và chia sớt sự an yên này cho cộng đồng.

Những người công nhân ấy vẫn đang miệt mài...

Tôi không ảo tưởng đến mức là công nhân thì có được sự an yên của tâm hồn, còn làm vua thừa mứa sự giàu có thì lại chịu bất hạnh... Bản chất của sự an yên không nên bị khu biệt vào bất kỳ ngành nghề nào, chức vị nào, con người nào. Ai cũng có thể có sự an yên, và ai cũng có thể là kẻ nghèo kiết xác mặc dù sống ngay trên đống tiền. Sự an yên ấy, nó cần chút quan sát chính mình và người khác, nó cần chút thử nghiệm và thất bại, nó cần học được nhiều bài học mà thời gian sống ở đời đã dạy, để rồi nhận ra đâu mới là sự bình yên đích thực. Có người sẽ nhận ra ngay sau một lần thất bại, cũng có người cả đời chẳng nhận ra được gì hết, cũng có người khi chết mới nhận ra, mà cũng có người chết rồi vẫn còn chưa nhận ra... Đọc vài di chúc của người ra đi là đủ biết họ đang ở đâu trên chặng đường khám phá cánh cửa hạnh phúc đích thực ngay thôi.

Tôi cho rằng, điều đầu tiên cần phải học, ấy là học biết mình. Biết mình là ai, có sở thích gì, năng lực tới đâu, mối quan hệ xã hội thế nào, ... để từ đó tìm được đúng chỗ cần đứng, ngồi đúng chỗ cần ngồi. Đừng quá leo cao khi năng lực chưa đủ, kể cả họ có nhấc mình lên cái ghế đó, mà thấy cái ghế ấy quá cao, hoặc không phù hợp thì cũng nên tự tụt xuống hoặc bỏ đi. Ngày xưa vua Nghiêu mời Hứa Do làm vua, Hứa Do nghe xong bèn lấy nước rửa lỗ tai, bởi biết việc làm vua không hợp với mình. Đấy, biết mình là việc đầu tiên cần học. 

Có biết mình, mới đến biết đủ. Biết đủ là thuận theo quy luật tự nhiên, sống hợp với nhân quả. Cái gì phi tự nhiên, phi nhân quả thì biết chắc là không bền, nên không tranh, không giành, không tham... Sống tự tại với cái mình đang có, với khoảnh khắc mình đang được thở, không mộng mơ một tương lai xa xôi hay tiếc nuối một dòng chảy đã qua mất. Người như thế là người an yên, người nắm được nghệ thuật sống an yên, và người đó cũng chính là người mà Như Lai Thế Tôn bảo "là người biết sống một mình". Người sống được như thế, thì hình sắc và âm thanh không thể tác động đến họ, quyền lực hay vật chất không chi phối được họ. Họ tự tại ngay giữa cuộc đời -  mà ai đó cho là môi trường bon chen, đau khổ đến mức nghẹt thở - thì với họ - cuộc đời họ đang sống chính là Cực Lạc, là Niết bàn, là thiên đường, là bất cứ thứ gì cũng được, mang bất kỳ tên gọi nào cũng được....


Đừng tìm Như Lai qua hình sắc
Đừng tìm Như Lai qua âm thanh
Ai tìm Như Lai qua hình sắc và âm thanh
Kẻ ấy sống theo tà đạo
Chẳng bao giờ thấy được Như Lai

Do vậy, Như Lai là ai? Có thể là những người công nhân đang cần mẫn mưu sinh kia, cũng có thể là bất kỳ ai trên đời này, chỉ cần họ có được sự an yên của tâm hồn, chỉ cần họ là những người biết sống một mình, giữa vô vàn các mắt xích đan xen.

(24/6/2020)

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất