Vậy là mùa Vu Lan lại về với những người con Phật trên khắp năm châu. Và năm nay, mùa Vu Lan của chúng ta đã về trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: vừa giãn cách xã hội, vừa cách ly lẫn nhau do dịch bệnh nhưng cũng là vừa kết dệt tình thân với người trong gia đình do không được ra ngoài, vừa kết nối tình đồng bào trong sự tương trợ lẫn nhau khi khó khăn… Một mùa Vu Lan có quá nhiều cảm xúc.
Chúng ta đều biết không ai một mình mà tồn tại được cả. Mỗi người đều được sinh ra, trưởng thành trong vô vàn các mối quan hệ. Ta được nuôi dưỡng bởi cha mẹ và cộng đồng xã hội, và đến lượt ta, ta cũng sinh ra con cái và đóng góp một phần nào đó năng lực lao động cho cộng đồng. Sợi dây liên kết đó tạm gọi là ƠN. Và là đệ tử Phật, biết ơn và đền ơn, chính là đạo đức cơ bản làm người.
Khái lược các mối quan hệ mà ta là một thành tố trong đó, ta có 4 mối quan hệ chính. Mùa Vu Lan là dịp để nhìn lại, nhìn sâu sắc hơn để cùng nhau thắt chặt hơn nữa sợi dây đã cố kết chúng ta lại nhau ấy, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh này.
1. Ơn Tổ quốc, ơn đồng bào: để có được cuộc sống bình yên, ơn đầu tiên phải kể đến là Tổ quốc chúng ta, những người đã hy sinh vì hoà bình cho đất nước, những người lính đang ngày đêm canh giữ bờ cõi quê hương, những bác sỹ đang thức trắng canh chừng và níu giữ cho ta từng hơi thở… Kể sao hết những cái ơn tưởng là xa nhưng thực ra rất gần ấy. Nhớ ơn Tổ quốc để ta yêu đất nước và quê hương mình hơn, nhớ ơn các anh hùng áo lính hay các bác sỹ tuyến đầu trong giai đoạn dịch bệnh ngặt nghèo, tự thầm hứa mình sẽ là công dân tốt, tuân thủ pháp luật và các chỉ thị của những người hữu trách… Thương bác sỹ vất vả ngày đêm, ta tiếc chi một lời cảm ơn, tiếc chi một lời nguyện cầu chúc bình an và sức khoẻ đến họ. Yêu lắm thay.
2. Ơn cha mẹ, thầy cô: ta có thân thể là nhờ mẹ sinh cha dưỡng; ta có tri thức và kinh nghiệm gián tiếp từ tổ tiên là nhờ thầy cô truyền đạt. Ta biết phải trái đúng sai để hành xử có đạo đức, để trưởng thành hơn là nhờ cha mẹ, nhờ thầy cô… Sống có hiếu đạo, sống có lễ phép với những người đã trực tiếp cưu mang mình là trách nhiệm đạo đức của lương tâm thôi thúc. Một lời tri ân chân thành, một câu hỏi han chăm sóc kịp thời đáng giá hơn nhiều mâm cao cỗ đầy mà bất hiếu, vô ơn. Đôi khi ta còn trẻ, cũng muốn đi chơi đâu đó cho đỡ ngột ngạt…nhưng thương cha mẹ già yếu, bệnh nền nhiều, lỡ vô tình mang virus về cho cha mẹ thì ăn năn, hối hận đến khi nào mới nguôi? Cho nên, giãn cách xã hội cũng là dịp để ta được gần cha mẹ hơn, được nhìn, được ở, được sống cạnh bên cha mẹ ta thêm lâu hơn một chút. Xin hãy trân trọng từng ngày.
3. Ơn xã hội, ơn cộng đồng: xin hãy nhìn các bạn tình nguyện viên không ngại gian khó, hoàn cảnh nguy nan mang cho ta từng bữa cơm, từng cốc nước khi ta bất động trên giường bệnh. Xin hãy nhìn đồng bào ta trên cả nước bớt ăn bớt tiêu gói cho ta miếng bánh chưng, rang cho ta ít lạc muối khi ta khó khăn do thiên tai dịch bệnh. Xin hãy nhìn từng chuyến xe chở thuyền cứu hộ từ bắc vào trung những ngày lũ chỉ vì tiếng cầu cứu của ta trong đêm, hay từng chuyến xe cứu trợ ngược xuôi nam bắc chỉ vì hai tiếng “đồng bào”… Một mình ta có tồn tại được không? Nhìn lại chiếc áo ta mang, chiếc mũ ta đội, chiếc khẩu trang ta đeo và cả cái ổ bánh mì 0đ trên tay còn đang nóng… Cái ơn của đồng bào ta sao có thể kể xiết thành lời. Nghĩ đến sự vất vả đó mà ăn uống đạm bạc lại, bớt tiêu hoang đi, bớt đòi hỏi đi, nhường nhịn nhau một chút…
4. Và còn cái ơn này nữa, thầy muốn nói: hãy hàm ơn người mẹ trái đất này. Hàng trăm nghìn hành tinh, chỉ có trái đất này là có sự sống. Màu xanh của cây cối, sự trong lành của từng giọt nước mưa, ánh nắng mặt trời toả xuống không quá nóng để đốt cháy trái đất cũng như không quá lạnh để tất cả đóng băng… Tất cả như một bài ca tuyệt diệu cho sự sống hình thành. Ta cũng chỉ là một nốt nhạc trong bài ca ấy chứ không phải là nhạc trưởng điều khiển toàn bộ. Trồng cây xanh, hạn chế rác thải và các chất độc hại ra môi trường, đừng khai thác cạn kiệt tài nguyên, tôn trọng sự sống của các loài khác… đó là cách ta bảo vệ trái đất và cũng là bảo vệ sự sống của chính ta. Người Mẹ trong tất cả những người mẹ đã bảo bọc chúng ta hàng triệu năm rồi, còn ta thì vẫn hàng ngày vì ích lợi cá nhân, vẫn đang làm người mẹ ấy chảy máu mỗi ngày.
Mùa Vu Lan là mùa hiếu hạnh của người con Phật, là tiếng chuông gióng lên đánh thức mỗi người xa quê nên quay về…
Quay về đâu?
Quay về căn nhà của chúng ta.
Nhà chúng ta ở đâu?
Chính là hơi thở, là trái tim nhân hậu, là sự sống bền vững được kết dệt trong vô vàn các mối quan hệ.
Để làm gì?
Để học lại bài học LÀM NGƯỜI.
Ý nghĩa lắm thay!!
Ps. Chúng ta ai cũng LÀ người, nhưng chúng ta đã thật sự biết LÀM người là như thế nào chưa??!!
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!