Tận cùng...



Khổng Tử chia cuộc đời ông thành vài giai đoạn: trước 15 tuổi thì dốc chí học hành, 30 tuổi thì lập thân, 40 tuổi thì thôi nghi ngờ... Tôi cũng đã bước vào tuổi 40 và may mắn đối với tôi, trên đời này chẳng còn điều gì khiến tôi lạ lẫm.


Đêm qua trăng 16 tròn vằng vặc, treo lơ lửng giữa thinh không. Tôi nhìn trăng và tôi nhận thấy chẳng cần trăng 16 mới tròn. Nó vốn đã tròn tự bao giờ, chỉ là đúng thời điểm, mây đã tan và mưa đã tạnh thì ánh trăng hiển hiện. Trăng ở đây, mãi sáng, còn lòng người có chịu thấy hay không mà thôi.


Nâng nhẹ ly trà trong hai tay, nghe các bạn trẻ hát bài thiền ca trầm bổng, mà lòng tôi dâng trào xúc động. Tôi đang uống trà và cũng đang uống nước mắt của chính mình. Trà có được từ những áng mây và mưa chính là những giọt nước mắt của đời mình sau vô lượng kiếp yếu đuối, vấp ngã, khổ đau. Tôi đưa nước trà lẫn nước mắt vào trong thân thể mình, để vị đắng của trà tan trong miệng và để vị mặn của nước mắt chuyển hoá thành nụ cười buông thư.

....


Trong một tháng chỉ có đôi ngày trăng tròn, phần còn lại là khuyết và ẩn dấu đâu đây. Nếu đêm nào trăng cũng sáng và tròn thì có lẽ chẳng có tiết trung thu mà cũng chẳng còn cái thi vị của trăng. Vì thế, trăng tròn là đẹp bởi vì cả tháng qua nó đã khuyết. Khuyết để tròn, bất toàn để trở nên hoàn hảo... Đó là chặng đường mà mọi người mong muốn được tựu thành trong cuộc đời mình.


Có đôi ngày trăng tròn, để sau đêm nay trăng sẽ lại khuyết. Nó vô thường như một áng mây, như cơn gió, như hạt mưa bất chợt ngang qua, để đọng lại trong lòng thi nhân biết bao tưởng tượng và nhung nhớ. Vì ánh trăng vô thường là thế, nên thi nhân nhạy cảm sẽ cố nắm bắt ánh trăng ấy đúng thời điểm, rung động đúng thời điểm, trân trọng từng phút giây và nhẹ nhàng buông xuống khi đã đến lúc cần buông xuống.


Tôi đang sống trong vô thường, và tôi nghiệm ra rằng mình cũng có khả năng vượt thoát vô thường. Vượt thoát vô thường không phải là chống lại vô thường, không điên đảo mộng mơ biến vô thường thành chân thường, mà ngược lại, sẽ ngồi trên chuyến tàu vô thường ấy, để nó đưa tôi đi đâu thì đi. Tàu vẫn đang chuyển động, nhưng người ngôì trên tàu thì bất động. Sự bất động hiện hữu ngay giữa dòng vận động.

....


Còn hy vọng sẽ còn đó thất vọng. Hy vọng này được tựu thành sẽ đeo mang thêm hy vọng khác nữa và rồi thất vọng thì trực chờ ta từng giây. Tôi đẩy sự thất vọng của tôi đến tận cùng tuyệt vọng, và thế là chẳng còn có hy vọng lẫn thất vọng. Đã tuyệt đối tuyệt vọng, thì còn gì khiến tôi phải thất vọng nữa. Đó là một thời tuổi trẻ tôi đi qua, và dẫu có già thêm bao nhiêu tuổi, tôi vẫn thấy câu thần chú ấy có giá trị nhất định nào đó với tôi.


Có những ngày mưa, tôi mở toang cánh cửa phòng mình. Gió mạnh xộc thẳng vào căn phòng nhỏ, thổi tung toé sách vở và đồ đạc. Tôi chẳng cần thu dọn vội và cũng chẳng cần ra khép của phòng làm gì. Đôi khi phải thử mở toang mọi giác quan, không phòng không bế, để thử xem sức đề kháng đến đâu.  khi cứ đóng kín cửa và ảo giác mình an toàn. Để rồi, qua bao năm tháng, tôi vẫn đau vì cơn mưa như ngày nào. Thực tế và lý thuyết sao cách xa đến thế.


Trò chơi hiện sinh chất chứa nhiều gia vị, như bản nhạc được tựu thành bởi rất nhiều nốt bổng trầm. Người ưa mạo hiểm thì chán ghét cảnh an toàn mà kẻ thích an toàn thì không thấy hấp dẫn từ những trò chơi mạo hiểm. Ớt có thể là cay với người này nhưng kẻ mê cay thì thiếu ớt lại nhạt mồm nhạt miệng. Thật khó bảo đâu mới là đúng hay sai, là nên hay không. Hạnh phúc hay khổ đau cũng vậy, cũng chỉ là gia vị cho trò chơi hiện sinh này được tựu thành sứ mệnh của nó.

....

Thời gian là để đi qua, không phải để níu giữ. Chỉ có thằng điên mới mong muốn níu giữ thời gian. Làm sao níu kéo quá khứ, hiện tại hay tương lai khi mỗi một sát na là cuộc đời đã chuyển nhịp, dòng xe đã lăn bánh. Tiếng chuyển động của bánh xe nhắc ta về sự chân thường của dòng chảy: chẳng có dòng chảy nào là đứng im cả.


Tôi đang chết - hay nói đúng hơn tôi đang tập chết mỗi ngày. Tôi đang chết là một sự thật hiển nhiên mà tôi đang tập chết là ý thức của bản ngã đang nỗ lực hoà tan cái tôi của mình vào sự thật hiển nhiên ấy. Chặng đường này có thể trả bằng nhiều cái giá đớn đau, nhưng dù là bằng bất kỳ cái giá nào, nó cũng chỉ là vọng tưởng được kích hoạt bởi cái bản ngã trong giai đoạn giãy chết. Tôi quan sát chính bản ngã tôi đang giãy chết, quan sát phản ứng quẫy đạp, níu bám, quằn quại của bản ngã trong lúc hấp hối để... mỉm cười.


Ngôn ngữ nhiều khi không diễn đạt hết điều tôi đang quan sát bởi vì tôi cũng đang quan sát chính ngôn ngữ ấy sinh thành và huỷ diệt ngay trong cơn mộng du của chính mình. Rồi ngay chính sự quan sát ấy cũng bị quan sát nữa, thành ra cái vòng xoáy của cơn lốc cứ thế cuộn trào đến thiên thu. Viết đấy mà thật ra không có gì để viết cả, vết thương cũ, cảm xúc cũ, nỗi đau cũ... mọi thứ với tôi lúc này không có gì lạ lẫm.




Bình thản quan sát cái giãy chết của bản ngã

Bình thản quan sát sự quan sát này xem trò chơi hiện sinh khi nào dừng bánh

Không nghi ngờ vì đã quá quen thuộc

Không nghì ngờ vì đã thấy rõ mọi ngóc ngách của cuộc chơi

Cái gì đi đến tận cùng đều mang dáng vẻ của thiên thần, thượng đế, niết bàn...

Từ tận cùng hạnh phúc hay tận cùng khổ đau

Từ tận cùng hy vọng hay tận cùng của sự tuyệt vọng

Chỉ khi đi đến tận cùng, cú nhảy lượng tử mới xuất hiện, phượng hoàng mới thật sự tái sinh


(11/9/2022)



CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất