Hôm nay, trời mưa tầm tã. Mưa như thể ông trời chờ đợi cả năm qua để cho được xả lòng. Nếu như là tôi của ngày xưa, hẳn tôi sẽ đem chiếc ghế bố ra cửa ngồi ngắm mưa, cho tâm hồn được phiêu lãng cùng những áng mưa ấy. Và vô số câu nói như "anh yêu em nhiều như những hạt mưa..." lại được cất tiếng, và vô số câu hỏi nhõng nhẽo "anh yêu em hay anh yêu cơn mưa..." lại tới tấp, dập dồn....
Nhưng tôi của hôm nay thì không còn là tôi của hôm qua nữa. Cũng là bầu trời ấy, cũng là cơn mưa ấy... nhưng thay vì mộng mơ của nghệ sỹ năm nào, tôi lại lấy ô đi ra kiểm tra công trình xây dựng. Nào là chỗ này hơi dốc, nước đọng nhiều quá; nào là chỗ này bị dột rồi, chỗ kia bị thấm rồi, chỗ này máng tràn rồi, chỗ này phải bê cao xi măng lên, chỗ kia phải nâng bột bả lên...không thì hỏng hết. Ôi, cái thực tại ấy mới phũ phàng làm sao...
Sự mộng mơ nào, dù có đi xa đến đâu cũng sẽ được thực tại kéo ta lại. Thực tại kéo ta lại để ta không bay đi mất, như cánh diều mà không có sợi dây níu giữ thì hẳn cánh diều ấy sẽ lạc trôi theo gió mà bỏ người chơi diều ở lại bơ vơ.
Nhưng kìa, cánh diều ấy ban đầu chỉ là cánh diều nằm chỏng chơ trên đất, ai biết và ai quan tâm. Phải nhờ người chơi diều gắn cho nó sợi dây, nâng cao nó lên khỏi mặt đất, nhấc lên hạ xuống tạo cho nó ít sức cản thì cánh diều mới có thể bay cao lên được. Và nếu cánh diều ấy bay lên rồi và bay đi luôn thì còn gì là hấp dẫn, nó hẳn phải nhờ sợi dây ấy níu nó lại trên mặt đất, thế thì việc thả diều mới thú vị phải không nào?!
Nhà thiền vẫn thường khuyên ta hãy sống có chính niệm và tỉnh thức. Chính niệm đẹp đấy, nó nhắc nhớ đôi chân này phải đứng vững chãi trên mặt đất. Đừng mộng mơ tương lai và đừng hoài niệm quá khứ để cho khổ. Biết là thế đấy, nhưng thời gian mà chỉ có mỗi hiện tại không thì cũng chán ngắt, cũng như cuộc sống mà chỉ có hạnh phúc không thì cũng tẻ nhạt. Cho nó chút gia vị của vui buồn đi, để xem bữa cơm cuộc sống có đậm đà hơn chút nào không?
Tôi vốn là người khó tính, ấy là người ta bảo thế... Nhưng tôi cũng có thể là người rất dễ tính, ấy là tôi bảo tôi thế. Tôi khó tính cũng có thể chỉ là lớp mai của con rùa thôi, để sự khó tính ấy bảo vệ lớp dễ tính đang hiện hữu bên trong nó. Thế nào là khó tính nhỉ? lạnh lùng, ít cười, ít nói, ít thể hiện cảm xúc, đăm đăm chiêu chiêu, suy tư khó gần.... Thế nào là dễ tính nhỉ? sao cũng được, thích gì cũng được, vui hay buồn đều được, đến hay đi cũng tốt, hợp hay tan cũng không thành vấn đề... Có thể đảo ngược được chăng? hay đảo ngược đi mới đúng là khuôn mặt mà tôi đang cần khám phá. Chẳng hạn, dễ tính là lạnh lùng, ít cười, ít nói, ít thể hiện cảm xúc, đăm đăm chiêu chiêu... còn khó tính lại là ai sao cũng được, thích gì cũng được, kiểu gì cũng không thành vấn đề...
Tất cả những loài động vật có lớp mai cứng nhất lại là loài có lớp thịt mềm nhất. Tại sao phải thế? Tại vì nó cần bảo vệ lớp thịt yếu mềm bên trong. Loài người thì sao? Tâm lý con người thì sao? Tôi cũng thấy kiểu kiểu như vậy. Bạn càng tỏ ra mạnh mẽ, cứng rắn là y như rằng tôi biết bạn yếu đuối mong manh. Còn bạn càng tỏ ra mong manh, yếu đuối, hay khóc nhè là tôi biết bạn khá là khô khan, cứng cáp và mạnh mẽ. Khoan hãy vội tranh luận đúng sai, cứ nghiệm xem sẽ thấy. Chẳng phải tự nhiên tỷ lệ tự tử do bất lực trước cuộc sống ở nam giới gấp 3 lần phụ nữ, dù cánh mày râu nào cũng tự nhận mình là "phái mạnh". Vì vậy, nếu bạn không muốn tự tử, thì đừng có cố mà gồng lên, khoác càng nhiều mặt nạ thì càng nặng mà thôi.
Có những nỗi khổ, niềm đau mà còn có thể khóc được, nước mắt còn trào ra được, còn thấy mình đang khổ, đang đau... thì theo cảm nghĩ của tôi, nỗi khổ niềm đau ấy chưa hẳn đã là khổ hay đau lắm đâu. Còn nói ra được nỗi khổ của mình, còn gọi tên niềm đau của mình, chí ít là còn có cách trị liệu. Với tôi, có những nỗi khổ, niềm đau mà không thể gọi tên được, không thể khóc được, không có cách nào biểu hiện được nó, nó nghẹn lại ở họng và bật ra thành tiếng cười, nỗi khổ niềm đau ấy mới là hết thuốc chữa. Cho nên, nếu bạn nào có thể khóc được, hoặc đang khóc, thì bạn còn đang hạnh phúc hơn khối người không thể khóc.
Ngày tôi còn nhỏ, tôi đã từng viết một câu, đại ý "có những nỗi đau mà nước mắt trở thành phù phiếm, thơ ngây". Sau bao năm tháng, tôi nghiệm lại vẫn thấy đúng nhưng chưa đủ lắm. Thái độ đó của tôi khi viết ra câu này, có chút gì đó khinh thường nước mắt, có chút gì đó kiêu hãnh khi tự cho rằng niềm đau ấy không đáng để khóc, hoặc nó đau quá đến mức khóc là sự xúc phạm đến niềm đau mà mình đang mang. Bây giờ tôi xin đem thêm một ý vào nữa, ấy là, có những nỗi đau mà dù bạn khóc hay bạn cười, nỗi đau ấy đều rất đẹp. Khóc hay cười chỉ là biểu hiện một phần rất nhỏ, kiểu như không thể không biểu hiện, mà qua đó, ta cũng có thể khóc khi ta vui và ta cười khi đau đớn, hoặc cũng có thể thấy niềm đau ấy chỉ là chuyện rất đỗi bình thường của lẽ tồn sinh nên nếu cần thì khóc mà nếu cần cũng có thể cười... Để lại sau đó là gì? là khiến người xung quanh không biết mình đang vui hay đang buồn, ngay cả chính mình cũng không cần biết mình đang vui hay đang buồn.
....
Con người là một sinh vật xã hội, chúng được thừa kế, tiếp nối rất nhiều kinh nghiệm quá khứ của tổ tiên. Tách con người ra khỏi xã hội là chẳng hiểu gì về con người cả. Tư duy bằng ngôn ngữ, ngôn ngữ lại lại là thành tựu của xã hội, cho đến chữ viết, cho đến văn hoá, cho đến đạo đức, cho đến mọi thứ mà con người đang có hôm nay đều nhờ xã hội mà tựu thành. Nhưng nếu nói con người chỉ là một sinh vật xã hội thì lại là thiếu sót lớn.
Con người còn là một sinh vật cá nhân. Vì cá nhân cho nên chúng biết chúng là duy nhất, vì cá nhân cho nên dù có bị xã hội hoà tan đến đâu, chúng cũng cố gắng có riêng cho mình, hoặc tìm cho mình một độc bản. Vì cá nhân, nên thay vì gắn cho mình tan trong một tổ chức xã hội nào đó, nó thao thức đặt cho mình câu hỏi "tôi là ai", "tôi phải làm gì"... Vì cá nhân, nên thay vì chấp nhận mình là sản phẩm, nó cố gắng vẫy vùng để trở thành chủ nhân, không cần phải là chủ nhân của ai, mà chí ít phải là chủ nhân của chính mình cái đã. Vì cá nhân, nên nó không chấp nhận chỉ ngồi đó thừa kế và tiếp nối, nó còn muốn được sáng tạo ra cái mới, khai phá và tìm tòi con đường chưa từng có ai đi.
Con người là sinh vật cá nhân giao thoa cùng xã hội, xã hội giao thoa cùng cá nhân... và vì thế, đôi khi nó thấy mình bị đánh mất chính mình trong các mối tương quan xã hội nếu tính xã hội trong nó quá nhiều; và cũng vì thế, đôi khi nó cảm thấy mình quá lập dị, nếu nó để tính cá nhân trong nó cao hơn các mối quan hệ khác. Và vì thế, trò chơi cân bằng giữa tính cá nhân với tính xã hội luôn luôn là trò chơi bập bênh, hay đu dây đầy háo hức, để rồi các gia vị ngọt ngào, cay đắng, muộn phiền, vui sướng, hạnh phúc, khổ đau... cứ thể được thêm vào trên chặng đường tồn sinh của mỗi kiếp người.
Tôi gọi mọi cảm xúc mà ta đã, đang và sẽ có là gia vị của một bữa cơm. Nếu ai đã từng là chuyên gia đầu bếp nấu ăn giỏi sẽ hiểu rằng, sự pha trộn của gia vị theo một tỷ lệ nhất định nào đó mới là bí mật thật sự của nghề nghiệp. Sự pha trộn này không phải lúc nào cũng bằng nhau, với tất cả mọi món. Có món cần chút cay, có món cần chút ngọt, có món phải có tí gừng cay, có món lại cần đến chất đắng, có món cần mặn, có món cần nhạt, có món cần phải kho vài tiếng mà cũng có món chỉ cần hơi chín tái là được... Sự pha trộn các gia vị, thêm lửa hay bớt lửa... là nghệ thuật nấu ăn và cũng là nghệ thuật thật sự của cuộc sống.
Đôi khi tôi đang rất buồn, nhưng rất có thể tôi biểu hiện nỗi buồn của tôi bằng tràng cười sảng khoái, bằng những điệu nhảy du dương, bằng những bài thơ đầy màu sắc. Đôi khi tôi đang rất vui, nhưng rất có thể tôi lại đưa mình về với dòng nhạc vàng ủ ê sầu dột, hoặc bằng nước mắt trào ra, hoặc bằng tiếng khóc nức nở, hoặc bằng lời than thở chán đời, với khẩu hiệu vui tươi: "nào, hãy trầm cảm lên"
Theo bất cứ biểu hiện nào, tôi luôn đối diện với mọi cảm xúc mà tôi đang có là gia vị, tuỳ cảm hứng tức thời mà biểu hiện nó ra, chẳng phải vì cầu xin ai thương hại, mà chỉ đơn giản là, áng mây chỉ là áng mây thì chí ít nó phải biểu hiện một hình thù nào đó được gọi là áng mây, chỉ đơn giản là vậy.
Theo bất cứ nghĩa nào, tôi cũng muốn nói, chẳng cần phải trốn tránh quá khứ hay tương lai, cũng chẳng cần trốn tránh đau khổ hay nhất thiết phải tìm cầu hạnh phúc. Mọi thứ là gia vị, nghĩa là nó đều rất cần cho sự trưởng thành của bạn, của tôi, của chúng ta. Vì là gia vị, nó chỉ làm cho cuộc đời bạn đẹp hơn mà thôi.
Đôi khi cho gia vị hơi quá tay, thế thì nó sẽ thành món khác. Lỡ tay cho nồi cơm hơi nhiều nước thì ta ăn món cháo, lỡ tay cho hơi ít nước thì cho nó thành món cơm rang, lỡ tay cho hơi mặn thì ta biến nó thành món kho và lỡ tay cho hơi nhạt thì ta biến nó thành món luộc...
Đôi khi tính xã hội hơi nghiêng nghiêng thì ta hoà tan hết mình vào với cộng đồng, đôi khi tính cá nhân hơi cao cao thì ta thu về phòng riêng mà làm thơ, ca hát, nhảy nhót, khóc lóc... Rồi tất cả đều sẽ trở về trạng thái cân bằng cả thôi.
Chỉ có thân thể người chết mới cứng đơ, còn mềm mại nghĩa là ta chưa chết.
(26/0/2023)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!