Con người có làm khổ nhau không?




Trời gần về sáng, như thời khoá thường nhật, tôi lại trở về với chính bản thân mình, mở máy chuyện trò cùng cái bóng hắt trên tường, qua ngọn nến nhỏ lắc lư. Đời người cũng như ngọn nến ấy, và tôi tự hỏi, đến khi nào thì cái bóng kia tan biến mãi mãi vào màn đêm tịch tĩnh?


Tiếng cổ cầm đưa tôi lăn tròn trên bàn phím. Từng con chữ hiện dần trên màn hình đen trắng, như những nốt nhạc bay nhảy trên những phím đàn. Con chữ cũng là nốt nhạc, mà nốt nhạc cũng là con chữ, cái đằng sau đó có thể là cảm xúc, có thể là suy tư, có thể là nói thay người khác, có thể là nói cho riêng mình nghe. Âm thanh đôi khi cũng chỉ là âm thanh nếu người không muốn hiểu, con chữ cũng chỉ là con chữ nếu người không muốn nhìn.


Ngọn nến này còn cháy được bao lâu? Không ai đoán định được tương lai, cho câu hỏi thời gian. Hỏi cũng chỉ để hỏi, chỉ để nhắc bản thân ngọn nến ấy càng ngày càng ngắn lại. Ánh sáng phát ra từ ngọn nến ấy ngày càng yếu dần, còn khi nào tắt hẳn xin nhượng quyền trả lời cho tự nhiên. Có thể là ngay bây giờ, có thể là ngày mai, có thể là hôm sau nữa, cũng có thể được tính bằng tháng hoặc bằng năm hoặc bất kỳ đơn vị nào mà ta muốn.


Cái bóng đang in trên nền tường kia có thật không? Có thật chứ. Nếu không thật thì làm sao thấy? Nhưng tắt nến đi thì cái bóng kia đi về đâu? Tôi đi khỏi cái tường ấy thì cái bóng kia đi về đâu? Tắt nến đi thì bóng tối bao trùm, cái bóng tan trong bóng tối, nó vẫn hiện hữu ở đó chỉ là cái bóng tối kia đậm đặc hơn nên tạm không còn thấy cái bóng nữa. Tôi đi khỏi cái tường ấy thì tôi vẫn còn đó, chỉ là không còn in bóng trên nền tường đó nữa mà thôi.


....


Tại sao con người thích làm khổ nhau? Khổ là gì? Là hy vọng, ngóng trông một ước ao và mong chờ nó thành hiện thực, nhưng hiện thực không xuất hiện nên khổ. Không hy vọng, không đợi chờ, không ước ao, không mong ngóng bất kỳ điều gì nữa thì khổ đâu còn có mặt. Do vậy, đôi khi có đau mà không có khổ, chỉ cần ta vui vẻ chấp nhận hiện thực đau đớn ấy thì đau không có đem lại khổ.


Tại sao con người thích làm khổ nhau? Tại vì bản thân người đem lại nỗi khổ cho người khác họ cũng đang tràn trề nỗi đau, và cần ai đó để trút đi cái dư thừa của họ. Như niềm vui có thể san sẻ thì nỗi khổ cũng có thể được trút ra, và do vậy, khi ai đó làm khổ ai đó, ta tự hiểu rằng kẻ gây ra nỗi khổ cho người khác có khi còn đang khổ gấp nhiều lần người bị làm khổ.


Tại sao con người thích làm khổ nhau? Tại vì chính bản thân người đi làm khổ cũng đang chênh vênh, cũng đang trông đợi, cũng đang kỳ vọng, cũng đang ước ao... và tất cả điều họ đang trông đợi ước ao, kỳ vọng đó chưa trở thành hiện thực. Và vì vậy, cái khoảng trống mênh mông của sự thất vọng, mất niềm tin ấy cần được lấp đầy bằng việc muốn người khác cũng phải khổ như mình, phải chênh vênh như mình, phải thất vọng như mình, phải đau khổ như mình.



Làm cách nào để mình đừng làm khổ người khác? Điều kiện đầu tiên là chính mình phải không khổ đã. Mình không khổ thì sẽ chẳng có nỗi khổ nào để cần phải trút sang người khác cả. Muốn không khổ thì đừng có hy vọng nhiều, đừng có trông đợi nhiều, đừng có ước ao nhiều, đừng có mộng mơ nhiều. Tự thân mình là nguồn năng lượng bình an thì sẽ không làm khổ người khác.


Làm cách nào để mình đón nhận nỗi khổ từ người khác mà mình không bị khổ lây? Mỗi ngày mỗi ngày phải tự tích luỹ năng lượng bình an sao cho đủ lớn, đủ sâu, đủ dày, đủ rộng đến mức như đại dương có thể ôm trọn mọi con sông nhỏ mà không vì vậy mất đi tính chất của đại dương, không bị rác rến từ các con sông nhỏ ấy làm nhiễm ô. Nếu chưa có khả năng biến mình thành đại dương rộng lớn thì nên tránh xa các nguồn năng lượng phiền não ấy, đóng cửa phòng, trưởng dưỡng chính mình, ôm ấp mọi vết thương chưa lành. Khi nào đủ mạnh khoẻ, đủ sung mãn, đủ tươi mát hãy tiếp tục giao tiếp với đời.



Người làm khổ người chỉ là lầm tưởng. Kỳ thật, không ai có khả năng làm khổ ai cả. Chỉ có tự mình làm mình khổ, nhưng không đủ can đảm thừa nhận trách nhiệm nên quay sang tìm ai đó để đổ vấy, để thấy mình là nạn nhân, để thấy mối tương giao giữa người với người dẫy đầy sự tiêu cực. Từ đó sinh ra hận thù, giận hờn, trách móc và rồi từ đó mà sinh ra trả thù người, trả thù đời, trả thù chính mình bằng những hành động thiếu đạo đức.


Không ai có thể tránh khỏi các mối quan hệ mà tồn tại được cả. Trong sự giao tiếp đó, có thể có năng lượng tích cực, tươi mát, dễ thương được trao đi; mà cũng có thể có năng lượng tiêu cực, bất mãn, nóng nảy, bất an bị xả tràn ra ngoài. Mình có thể hữu duyên nằm trong số đối tượng được nhận. Phúc lành thì nhận được niềm vui, vô phúc thì đón trọn vẹn nguồn năng lượng nhiễm ô của người khác. Lúc này ta cần phải học cách chuyển hoá nguồn nhiễm ô ấy thành sự thanh lương tươi mát. Chuyển hoá như thế nào? Như nhúm muối cho vào cốc nước nhỏ thì mặn chát nhưng đổ xuống sông thì không còn cảm giác mặn, cũng tương tự thế, muốn không khổ khi người ta cố tình làm mình khổ, thì phải đủ năng lực mở rộng đến vô hạn khả năng yêu thương, phải đủ năng lực cách ly chính mình khỏi các hạt giống tiêu cực một khoảng cách nhất định để có thể thấy hình hài của chúng một cách rõ nét. Vạn bất đắc dĩ chưa làm được điều đó thì việc đạo đức nhất mà mình có thể làm là khép cửa phòng lại, tự ôm ấp và tự chữa lành các vết thương như con sư tử tự liếm vết thương của chính mình, rồi chờ đợi thời gian vết thương ấy sẽ tự khắc lành.


...


Canh ba về sáng, ngọn nến lay lay trong gió, cái bóng lắc lư trên nền tường và tôi cũng phiêu theo tiếng nhạc. Tôi - cái bóng - ngọn nến - tiếng nhạc - con chữ... như đang hoà tan vào nhau. Giấc mơ về một thế giới người với người không làm khổ nhau văng vẳng vọng về, nguyện một đời không làm khổ người và khổ mình thì thầm bên tai.... 


Ngọn nến ấy, cái bóng ấy, ánh sáng ấy đến với đời cũng chỉ như người khách qua đường, ở trọ trong một khoảng thời gian nhất định, sao nhất thiết phải tự làm khổ mình, sao nhất thiết phải làm khổ người, để rồi ảo tưởng rằng việc "làm khổ "ấy mới là cách lưu dấu lên tâm tư người khác được lâu hay sao?... sẽ là bao lâu...?

(13/10/2023)



CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất