Để trả lời câu hỏi này, trước hết ta cần tạm minh định với nhau về cách hiểu phổ thông của chúng ta qua các khái niệm "Tôn giáo" và "Triết học" trước khi trả lời cho câu hỏi "Đạo Phật là Tôn giáo hay là Triết học".
Theo định nghĩa của Wikipedia về Tôn giáo hay đạo (chữ Hán: 宗教, tiếng Latinh: religio, ) là hình thái ý thức xã hội dựa trên sự tin tưởng và sùng bái các yếu tố siêu nhiên (thần linh, thiên chúa, ...) mà ở đó các yếu tố siêu nhiên được cho rằng quyết định nên số phận hay tương lai của con người, hoặc được lấy làm cơ sở để đặt nền tảng cho cuộc sống. Tôn giáo thường được cấu thành bởi một hệ thống các văn hoá, tín ngưỡng, đức tin bao gồm các hành vi và hành động được chỉ định cụ thể, các quan niệm về thế giới, thể hiện thông qua các kinh sách, khải thị, các địa điểm linh thiêng, lời tiên tri, quan niệm đạo đức, hoặc tổ chức, liên quan đến nhân loại với các yếu tố siêu nhiên, siêu việt hoặc tâm linh. Tuy nhiên, hiện tại chưa có sự đồng thuận học thuật về những gì chính xác cấu thành một tôn giáo.[1]
Các tôn giáo khác nhau có thể chứa hoặc không chứa nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm các yếu tố thần thánh[2], những điều linh thiêng[3], tín ngưỡng,[4] một thế lực hoặc nhiều thế lực siêu nhiên[5] hoặc "một số thế lực siêu việt tạo ra các chuẩn mực và sức mạnh cho phần còn lại của cuộc đời ".[6] Các hoạt động tôn giáo có thể bao gồm các nghi lễ, bài giảng, lễ kỷ niệm hay biểu hiện sự tôn kính (các vị Thần, Thánh, Phật), tế tự, lễ hội, nhập hồn, lễ nhập đạo, dịch vụ tang lễ, dịch vụ hôn nhân, thiền, cầu nguyện, âm nhạc, nghệ thuật, múa, dịch vụ công cộng, hoặc các khía cạnh khác của văn hóa con người. Các tôn giáo có lịch sử và các kinh sách linh thiêng, có thể được bảo tồn trong các thánh thư, các biểu tượng và thánh địa, nhằm mục đích chủ yếu là tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống. Tôn giáo có thể chứa những câu chuyện tượng trưng, đôi khi được những người tin theo cho là đúng, có mục đích phụ là giải thích nguồn gốc của sự sống, vũ trụ và những thứ khác. Theo truyền thống, đức tin, cùng với lý trí, đã được coi là một nguồn gốc của các niềm tin tôn giáo.[7]
Cũng theo định nghĩa của Wikipedia về Triết học: Triết học là bộ môn nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan, những vấn đề có kết nối với chân lý, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức, và ngôn ngữ. Triết học được phân biệt với những môn khoa học khác bằng cách thức mà nó giải quyết những vấn đề trên, đó là ở tính phê phán, phương pháp tiếp cận có hệ thống chung nhất và sự phụ thuộc của nó vào tính duy lý trong việc lập luận.Trong tiếng Anh, từ "philosophy" (triết học) xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại φιλοσοφία (philosophia), có nghĩa là "tình yêu đối với sự thông thái". Sự ra đời của các thuật ngữ "triết học" và "triết gia" được gắn với nhà tư tưởng Hy Lạp Pythagoras. Một "nhà triết học" được hiểu theo nghĩa tương phản với một "kẻ ngụy biện" (σοφιστής). Những "kẻ ngụy biện" hay "những người nghĩ mình thông thái" có một vị trí quan trọng trong Hy Lạp cổ điển, được coi như những nhà giáo, thường đi khắp nơi thuyết giảng về triết lý, nghệ thuật hùng biện và các bộ môn khác cho những người có tiền, trong khi các "triết gia" là "những người yêu thích sự thông thái" và do đó không sử dụng sự thông thái của mình với mục đích chính là kiếm tiền.
Trên đây là hai định nghĩa về Tôn giáo và Triết học mang tính chung nhất, tất nhiên chuyện tranh cãi về hai khái niệm này là chuyện đã trên dưới vài nghìn năm. Chúng ta cần nắm vài đặc điểm chính của Tôn giáo như sau:
Là một Tôn giáo, cần có yếu tố linh thiêng (siêu nhiên như Chúa Trời hoặc khó nắm bắt như khái niệm Tâm, Pháp thân...), có các hoạt động thực hành tôn giáo (nghi lễ, thiền, bí tích...), cần có giáo luật (quy định nhập đạo, giới luật), có vị sáng lập tôn giáo, có kinh sách truyền thừa, có bộ phận chuyên trách thực hành tôn giáo (Linh mục, Tu sỹ...).
Là một học thuyết triết học, cần người sáng lập (Platon, Đức Phật, Aristote, Heghen, Marx...), có các quan điểm về thế giới quan (duy vật, duy tâm, hiện sinh, hiện tượng,...), về nhận thức luận (chân lý, kiểm nghiệm chân lý, kinh nghiệm, tri giác...), về nhân sinh quan (thiện, ác, xây dựng xã hội, bản chất con người)...
Với sự tóm lược nêu trên, gọi Phật giáo là Tôn giáo cũng được mà gọi là học thuyết Triết học cũng không sai. Nếu bạn cứ ép nói đến Tôn giáo là nói đến Đấng Siêu nhiên (Thượng Đế) thì Phật giáo không phải là Tôn giáo nhưng nếu bạn hiểu bản chất thế giới là Duyên khởi (không cần sự có mặt của Thượng Đế thì Phật giáo cũng đầy đủ các tính chất của một tôn giáo. Nếu bạn hiểu Triết học chỉ đơn thuần là sự tư duy thuần lý, tư biện của các triết gia thì Phật giáo không phải là Triết học nhưng nếu hiểu Triết học là cách con người tìm kiếm chân lý, tìm kiếm bản lai diện mục của thế giới và con người thì Phật giáo cũng có thể là một học thuyết triết học.
Nhìn lại những lời Đức Phật dạy, yếu tố tôn giáo (niềm tin, tín ngưỡng, nghi lễ, các hoạt động thể hiện niềm tin...) không phải là phần quan trọng nhất của Phật giáo. Những lời dạy của Ngài (về thế giới, về con người, về khổ đau, về an lạc....) quá thực tế, quá khoa học, rõ ràng như ban ngày, đến nỗi có nhà khoa học đã từng thừa nhận điểm kết thúc của khoa học chính là điểm bắt đầu của Phật giáo, hoặc có người gọi thẳng đạo Phật là khoa học, hoặc Tôn giáo của khoa học...
Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến tính minh triết, tính rõ ràng, tính minh bạch, tính khoa học của Phật giáo mà bỏ qua yếu tố "tôn giáo" trong đạo Phật thì chuyện gì sẽ xảy ra ở tương lai?
Hãy nhìn các quốc gia mà đạo Phật đã từng là quốc giáo và rồi bây giờ suy tàn như Pakistan (thuộc Ấn Độ ngày trước), Afganistan, Indonesia, Hàn Quốc.... xem? Đạo Phật có bao giờ mất đi tính khoa học, tính minh triết... không, vậy tại sao lại không còn hiện hữu phổ biến ở các quốc gia ấy? Có thể có nhiều nguyên nhân, như biến động chính trị, thiếu vắng tu sỹ tu học và truyền bá... Còn rất nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm dành cho các nhà nghiên cứu Phật học, Chính trị học, Xã hội học, Lịch sử học... cho những biến động này.
Nhưng tại Việt Nam lúc này, hình như đâu đó đang quá tôn vinh yếu tố minh triết của Đạo Phật và coi thường yếu tố tôn giáo của đạo Phật, hoặc có khi họ chỉ coi đó là một lối sống đẹp, đem lại niềm vui, sự an lạc nhất định nào đó. Dấu hiệu đó là gì?
Ấy là chỉ cần ngửa mặt lên trời, tự quy Phật, Pháp, Tăng... bỏ qua "nghi lễ" truyền thọ Tam quy. Tất nhiên, trong ý nghĩa Quy y Tam bảo có quy y tự tánh, nghĩa là quay về với Tam bảo có sẵn trong tâm mỗi người. Nhưng bỏ qua nghi lễ "truyền - nhận" là bỏ qua ý nghĩa linh thiêng của tôn giáo, bỏ qua điều mà chính Đức Phật đã chỉ bày cho Ngài Ưu ba ly về nghi thức truyền - thọ Tam Quy... Không trực tiếp nhận Quy y Tam bảo từ Tăng bảo (thế gian trụ trì Tăng bảo) thì Tự tánh Tam bảo có thành không?
Ấy là chỉ cần mở sách ra, tự đọc giới, tự giữ giới, thích nhận giới thì nhận, thích giữ thì giữ, thích xả thì xả, cảm thấy giữ được bao nhiêu tự giữ bất nhiêu... . mà không cần tuân theo bất cứ quy định nào của Luật tạng. Không có Tăng bảo truyền thọ, không có nghi lễ truyền thụ, tất cà tuỳ hứng, tuỳ duyên... thì giới thể có đắc không? không có giới thể thì có đắc được giới tướng không?
Ấy là chỉ cần thích tu thì mặc áo tu, mang hình tướng Tăng mà giới thể lẫn giới tướng không có, vui thì đi trải nghiệm, chán lại về, không sợ nhân quả của việc trộm tăng tướng, không sợ nhân quả của phá hoà hợp tăng, bất chấp mọi quy định về Giới luật tôn giáo cùng các nghi thức của nó... thì tính thiêng liêng qua các hoạt động "lễ" của tôn giáo có còn ý nghĩa và chính thể nhà nước đương thời có chấp nhận?
Và như vậy, đạo Phật đã mất đi sức sống của một tôn giáo khoa học, thay vào đó, lời Phật dạy chỉ còn là một cách thế sống (nghệ thuật sống đắc nhân tâm), một học thuyết triết học (sách vở có sẵn đấy, cứ tự mở ra mà xem, tự học, tự thực hành..). Sau một thời gian nữa, thiết nghĩ đạo Phật sẽ chỉ còn tồn tại như bao nhiêu các học thuyết triết học đã có trong lịch sử, là một quyển sách trong thư viện cho các sinh viên viết luận văn tốt nghiệp nghiên cứu, nhận bằng và... cất lên kệ.
Một nền triết học tôn giáo uyên áo như vậy... nhưng chỉ cần vì yêu cái tính uyên áo của hệ tư tưởng đó quá mà quên mất tính tôn giáo của nó... thì cũng chỉ như người đi một chân. Muốn vững chãi và đi xa, ta cần đủ cả hai chân: tính triết học và tính tôn giáo. Thiếu một trong hai, Phật giáo không còn là Phật giáo nữa.
Dẫu biết vạn vật có sinh có diệt, có thành có hoại, có còn có mất.. nhưng nhìn thấy điều đó, lòng sao man mác. Đáng ngẫm lắm thay!!
(10/6/2024)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!