Đến với đạo Phật là để Giác ngộ hay là để Giải thoát?

 

Đến với đạo Phật là để Giác ngộ hay là để Giải thoát?


Nếu câu hỏi ấy được đặt trong một phiên toà và các luật sư nhà ta thường ép người được hỏi chỉ được chọn một trong hai thì xin gượng ép trả lời là: đến với đạo Phật là để giác ngộ. Có giác ngộ mới có giải thoát. Giác ngộ là nhân mà giải thoát là quả. Gieo cái nhân đúng thì mới gặt hái được cái quả đúng. Còn chỉ trông chờ vào quả mà không trồng cái cây thì rất có thể chỉ là "quả nhựa".


Giác Ngộ và Giải thoát là cách chúng ta hay noí về lý tưởng của đạo Phật. Cách nói này chưa chuẩn lắm, vì chữ "và" nó không diễn đạt được tiến trình tu tập của một hành giả tu tập. Thay cho chữ "và", chúng ta nên dùng chữ "để" hoặc chữ "rồi" có ý nghĩa hơn. Giác ngộ để giải thoát hoặc giác ngộ rồi giải thoát diễn đạt được tiến trình, để người tu cần biết bắt đầu từ đâu. Sâu sắc hơn nữa, ta nói "giác ngộ là giải thoát", nghĩa là ngay giây phút ta giác ngộ là ta đã có giải thoát.




Thế nào là giải thoát?


Khi bạn đang ở ngoài xã hội thì khái niệm "ra tù" hoặc "được phóng thích" không có ý nghĩa gì với bạn cả. Khái niệm "ra tù" chỉ có ý nghĩa với người đang ở trong tù muốn được hoà nhập với cộng đồng xã hội. 


Nếu bạn ở tù đến chung thân, thì nhà tù đôi khi thành nhà ở của bạn luôn, và bạn cũng chẳng muốn ra tù nữa. Ngoài kia không còn người thân, không còn quê hương, không còn nhà cửa... trong khi ở trong tù lâu quá thì các bạn tù, anh quản giáo, các bức tường, các công việc trong tù... trở thành xã hội thu nhỏ của bạn. Cho nên, cho "ra tù" nhiều khi cũng không khoái lắm.


Vậy "ra tù" chỉ thật sự có ý nghĩa khi bạn biết bạn đang ở tù và muốn ra tù. Cũng tương tự vậy, giải thoát chỉ thật sự có ý nghĩa với ai nhận diện mình đang bị xiềng xích và muốn được tự do khỏi xiềng xích. Còn người ta bị xiềng xích hoặc hoan hỷ với việc được xiềng xích thì nói về "giải thoát" người ta cũng không cần đến.


Giải thoát là giải thoát khỏi cái gì?


Giải thoát khỏi bất cứ cái gì mà bạn cảm thấy đang cản trở, bám víu, đeo mang, xiềng xích bạn. Với người chồng mà phải sống chung với bà vợ khó ở quá, muốn ly hôn với bà vợ ấy và được toà giải quyết cho ly hôn thì khoảnh khắc thoát khỏi bà vợ ấy là được giải thoát. Nghiện rượu đến mức thiếu rượu không sống được, giờ bỏ được rượu mà vẫn sống khoẻ thì đó là được giải thoát khỏi rượu... Vậy là đối tượng giải thoát có rất nhiều, tuỳ hoàn cảnh mỗi người nhận thấy đang bị xiềng xích cái gì thì giải thoát khỏi cái ấy.


Nhưng giải thoát ra khỏi cái xiềng này để chui vào cái xiềng khác là có thể xảy ra. Ví như ly hôn với bà vợ này để cưới bà vợ khác là chui từ cái xiềng này sang cái xiềng khác. Bỏ được bệnh nghiện rượu chuyển sang nghiện thuốc thì là từ nhà tù này chuyển sang nhà tù khác... Người tu cũng rất có thể từ cái nhà tù tại gia sang cái nhà tù trong chùa, hoặc từ nhà tù trong chùa sang nhà tù trong rừng, trong núi hoặc ngoài đường... hoặc từ nhà tù bằng hình tướng cụ thể sang nhà tù tư tưởng, nhà tù tư tưởng ấy mang những cái tên như cố chấp, tà kiến, kiến thủ kiến, cuồng tín, giáo điều....


Đối tượng cần giải thoát thì rất nhiều, vì nhiều quá nên việc chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác là việc thường xuyên. Đôi khi ta lầm tưởng được thoát ra khỏi nhà tù ở Thanh Hoá là tự do, có nào ngờ họ đang chuyển mình sang nhà tù ở Nghệ An đó thôi. Nhầm lẫn một thoáng tự do trên đường di chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác là giải thoát hoàn toàn là nhầm lẫn lớn, nhưng tận hưởng chút không khí trên đường di chuyển giữa các nhà tù thì cũng không có gì đang phê phán.


Giác ngộ mới là nhân của Giải thoát?


Giác ngộ là nhận diện ra xiềng xích. Có nhận ra xiềng xích mới có ý muốn giải thoát. Nhận ra bà vợ này là xiềng xích thì mới muốn ly hôn bà ấy. Nhưng lại không nhận ra bà mình sắp lấy cũng là xiềng xích nữa thì chúng ta cũng mãi lẩn quẩn giữa các nhà tù. Nhận ra bà nào cũng là xiềng xích để không lấy bà nào nữa, hoặc có lấy nhưng không bị khổ đau phiền não với bất kỳ bà nào nữa, thì khi ấy ta mới thật sự tự do.


Giác ngộ có nông, có sâu, có từng phần và có hoàn toàn. Nhận ra mình đang bị xiềng vì cái xích sắt này để gỡ nó ra thì đó là giác ngộ, nhưng lại khoác cái xiềng bạc hay vàng khác vào chân thì giác ngộ đó nhưng rồi lại mê mờ đó. Giác ngộ như vậy gọi là giác ngộ từng phần.


Giác ngộ hoàn toàn là nhận ra cái xiềng bên ngoài cần gỡ và cả cái xiềng trong tâm cũng cần gỡ. Cái xiềng bên ngoài tương tác với cái xiềng trong tâm tạo ra tình trạng tù đày. Gỡ được cái xiềng bên ngoài chỉ là một phần, cái xiềng trong tâm mới là chính yếu. Cái xiềng lớn nhất, sâu sắc nhất, gốc rễ của mọi vấn đề là "tưởng rằng mình có cái ta thật" (vô minh) để rồi cả đời đi hầu hạ phụng dưỡng nó. Nhận ra và duy trì sự nhận biết "nó không có thật" trong mọi sát na thì tự khắc toàn bộ sự hầu hạ, phụng dưỡng nó sẽ trở thành vô nghĩa.


Vậy là nhờ có giác ngộ mới có giải thoát, giác ngộ ra xiềng sắt để đeo mang xiềng vàng thì giải thoát khỏi xiềng sắt nhưng lại nô lệ cho xiềng vàng, giác ngộ ra tất cả các loại xiềng thì có tự do khỏi tất cả các loại xiềng. Giác ngộ là Nhân mà Giải thoát là Quả.


Giác ngộ rồi, Giải thoát rồi... Thì sao nữa?


Anh giác ngộ thì anh giải thoát. Tất nhiên chúng ta đang sống trong một cộng đồng tương tác nên sự giác ngộ của anh và sự giải thoát của anh sẽ liên đới đến cộng đồng. Qua việc anh giác ngộ và qua việc anh giải thoát thì cộng đồng quanh anh nhờ đó cũng có chút cảm hứng muốn giác ngộ và giải thoát theo. Nhưng, cộng đồng quanh anh dù có thấy anh hoan hỷ, tự tại, an lạc, giải thoát... mà chính cộng đồng đó không tự giác ngộ cho chính họ thì cũng chẳng vì vậy mà cộng đồng đó được giải thoát. Mà nếu thiếu giác ngộ thì đôi khi cộng đồng đó lại "đeo" thêm một cái xiềng khác trong vô số các loại xiềng đang đeo. Chúng ta cứ nói chúng ta học Đức Phật nhưng có nhận ra chúng ta đang vác thêm Đức Phật trên vai bên cạnh vô số thứ chúng ta đã và đang vác không??


Giả thiết Đức Phật Thích Ca giác ngộ rồi nhập Niết bàn luôn thì sao? Thì việc Ngài giác ngộ cũng chẳng có tác động gì nhiều đến xã hội. Cuộc sống xã hội vẫn thế, đau khổ vẫn thế và việc Ngài giác ngộ, giải thoát là chuyện riêng của Ngài ấy. Cái cao quý của Đức Phật chính là ở chỗ Ngài lan toả cái tri kiến của Ngài cho tha nhân, thông qua đó, xã hội biết được đường đi lối lại để tự giác ngộ và giải thoát cho chính mình. Cho nên, khoảnh khắc Ngài giác ngộ dưới cội cây Bồ đề là tuyệt vời nhưng khoảnh khắc Ngài chuyển bánh xe pháp cho 5 anh em ông Kiều Trần Như tại vườn nai mới là tuyệt diệu.


 (1/6/2024)



CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất